Đã thành thói quen, mỗi khi đau ốm, nhiều người thường đến các nhà thuốc kể triệu chứng bệnh để mua thuốc uống, mà không cần sự thăm khám, kê đơn thuốc của bác sĩ. Tình trạng sử dụng thuốc không có chỉ định, không theo đơn, nhất là thuốc kháng sinh, vẫn đang diễn ra phổ biến. Tâm lý chung của nhiều người bệnh là rất ngại cảnh đợi chờ, thăm khám ở bệnh viện, nên thường ra nhà thuốc nói triệu chứng (ho, nhức răng, đau đầu, sổ mũi…) để mua cho nhanh. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian dài, bệnh tái phát với các triệu chứng khá giống như trước, thế là họ tự ý dùng lại đơn thuốc cũ, mua thuốc dùng y hệt như trước.
Đặc biệt, trường hợp bệnh nhi được mẹ mua thuốc theo đơn cũ để sử dụng cũng khá phổ biến. Một số người bệnh khác khi thấy người quen đã bị bệnh có triệu chứng giống như bệnh của mình, thì tìm cách mua thuốc theo đơn của người quen để tự sử dụng. Ngoài ra, không khó để tìm các phương pháp chữa bệnh trên mạng Internet, mạng xã hội. Nhiều người bệnh khi gặp các vấn đề về sức khỏe, lo lắng tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng của mình là mua thuốc theo như đơn trên mạng về sử dụng, mà không cần đến bác sĩ…
Anh Nguyễn Văn Hoàng (huyện Châu Phú) cho biết: “Các thành viên trong gia đình tôi mỗi khi có các triệu chứng nhức đầu, sổ mũi, đau họng, đau bụng… đều đến nhà thuốc mua thuốc về tự điều trị, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, vừa thuận tiện. Uống khi nào thấy hết bệnh thì ngưng”.
Sau khi tự ý mua thuốc kháng sinh về uống vì thấy đau, rát họng, chị Trần Thị Thúy Kiều (TP. Long Xuyên) đã bị mẩn ngứa toàn thân. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị dị ứng kháng sinh. Điều đáng nói là để hết mẩn ngứa, chị phải tốn số tiền không nhỏ mua thuốc về điều trị.
Còn anh Lê Văn Đ. (TP. Long Xuyên) bị mắc bệnh viêm đường tiết niệu tái đi, tái lại nhiều lần. Trước đây, khi có triệu chứng tiểu buốt, tiểu rát, tức vùng dưới và cảm giác nước tiểu còn trong bàng quang dù mới đi tiểu, anh Đ. đã ra nhà thuốc kể bệnh và mua thuốc về uống. Mặc dù được bán 5 ngày thuốc nhưng khi uống được 3 ngày, thấy các triệu chứng bệnh không còn, cho rằng bệnh đã khỏi nên anh Đ. dừng uống thuốc. Một tuần sau đó, các triệu chứng bệnh tiếp tục tái diễn. Khi đó, anh Đ. mới đến bệnh viện để khám và điều trị. Được các bác sĩ giải thích, do điều trị không tận gốc, nên bệnh tiếp tục tái diễn và lần sau sẽ nặng hơn lần trước.
Tương tự, ông Trần Văn Hòa (huyện Phú Tân) cho biết: “Tôi bị gout đã 10 năm nay. Mỗi lần tái phát, tôi không đi bệnh viện khám, mà mang đơn thuốc cũ ra dùng, kết hợp dùng thêm một số loại thuốc mua ngoài. Gần đây, chân tay sưng to, đau nhiều quá, không thể đi lại, tôi mới đến bệnh viện khám. Sau khi được điều trị, tôi thấy đỡ đau nhức hơn nhiều, có thể đi lại mà không cần người nhà hỗ trợ nữa”...
Theo các bác sĩ, tùy từng loại kháng sinh sẽ có những biểu hiện dị ứng khác nhau và tùy cơ địa từng người. Cơ thể dị ứng có thể ở mức độ nhẹ - nặng, thậm chí rất nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Dị ứng có thể ngứa, nổi mề đay, phù hoặc mắc các vấn đề về hô hấp, như: Phù nề thanh quản, ho, khó thở, tiêu chảy… Sốc phản vệ là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc kháng sinh, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút, nếu không cấp cứu đúng và kịp thời.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh xuất hiện khá nhiều là do hiện nay, việc mua thuốc kháng sinh tại các tiệm thuốc khá dễ dàng, không cần theo đơn hoặc chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, thói quen tự điều trị theo kinh nghiệm chứ không có sự tư vấn của bác sĩ của không ít người, cũng dẫn đến tình trạng thuốc kháng sinh bị lạm dụng, sử dụng thiếu kiểm soát...
Việc mua thuốc tự điều trị tại nhà sẽ gây nhiều tác hại, biến chứng khôn lường, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, người dân không được tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu bệnh, cần tập thói quen đi khám bệnh tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, hiệu quả; tránh dẫn đến những hậu quả, biến chứng đáng tiếc mới đến bệnh viện thì đã muộn.
TRỌNG TÍN