Cẩn trọng việc “bao đậu” thi lái xe hạng A1

02/06/2022 - 06:16

 - Học và thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) môtô hạng A1 là một trong những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của nhiều người. Lợi dụng tâm lý ai cũng muốn được thuận lợi khi thi và cấp GPLX, đã xảy ra tình trạng thực hiện hành vi lừa đảo “bao đậu”, người dân cần cảnh giác.

Bài thi thực hành vòng số 8

Thực tế, để được cấp GPLX hạng A1 (cấp cho người điều khiển xe môtô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50cc đến 175cc và người khuyết tật để điều khiển môtô 3 bánh dành cho người khuyết tật), người dân cần trải qua 2 phần thi sát hạch (thi lý thuyết và thực hành). Đối với phần thi lý thuyết, người thi sẽ phải làm bài dưới hình thức trắc nghiệm do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định, với 25 câu trong thời gian làm bài 20 phút, điểm đạt là 21/25 câu.

Trong phần thực hành, người thi sẽ phải vượt qua 4 loại đường thi sa hình, gồm: Bài thi vòng số 8, bài thi đường thẳng, đường gồ ghề và đường lượn sóng; số điểm tối thiểu để đậu phần thi này là 80/100, tương đương không quá 4 lần phạm lỗi. Với 4 bài thi này, mỗi khi phạm lỗi chống chân hay chạm vạch, người thi sẽ bị trừ 5 điểm. Trong đó, bài thi vòng số 8 là bài dễ mắc lỗi sai nhất; nếu bị tắt máy hay ngã xe, người dự thi sẽ bị đánh rớt ngay. 

Lợi dụng tâm lý “sợ rớt” của người thi sát hạch cấp GPLX hạng A1, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng lừa đảo, “bao đậu” hoặc không thi nhưng vẫn đậu. Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, các đối tượng còn giả mạo các trung tâm đào tạo lái xe dạy “mẹo”, “bao đậu” khi sát hạch GPLX. Nhiều người có nhu cầu lấy bằng lái đều bị hấp dẫn bởi lối “đi tắt” này.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT An Giang Đỗ Văn Thơm, qua thực tế công tác đào tạo, tổ chức sát hạch cấp GPLX môtô hạng A1, đơn vị phát hiện một số đối tượng có hành vi lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để trục lợi bất chính, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, công chức và ngành GTVT. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và làm tốt công tác đào tạo, tổ chức sát hạch cấp GPLX môtô và ôtô, Sở GTVT đã có thông báo những hành vi lừa đảo này để người dân cảnh giác.

Trên thực tế, có những đối tượng hứa làm GPLX mà không cần thi để gạ gẫm người dân nộp tiền, nhưng khi nhận về là hồ sơ và GPLX giả. Cùng với đó, các đối tượng còn “bao thi đậu” bằng cách nhận tiền người đi thi và tự nhận có quen biết cán bộ chấm thi, nhờ gửi đảm bảo đậu. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn tự nhận là giáo viên của nhà trường hoặc chỉ dẫn vài mẹo vặt và nhận tiền người đi thi. Tất cả các hành vi này đều có điểm chung là khai thác tâm lý lo lắng của người dự thi, để lừa đảo lấy tiền.

“Tuyệt đối không có chuyện “bao đậu” như các đối tượng lừa đảo cam kết. Vì theo quy định của pháp luật, khi thực hiện các nội dung sát hạch để được cấp GPLX, học viên sẽ trải qua các bài thi, như thi lý thuyết trên máy tính không có kết nối internet hay "mạng Lan" ra bên ngoài, khi hết thời gian làm bài, máy tính sẽ tự động khóa lại. Còn sát hạch lái xe trong sa hình đều qua thiết bị chấm điểm tự động. Khi kết thúc bài sát hạch, máy sẽ tự động in kết quả thi kèm theo hình ảnh của người dự thi. Cho nên, các học viên tuyệt đối không nên tin những chiêu trò lừa đảo” - ông Thơm khẳng định.

Để đấu tranh với các đối tượng lừa đảo này, Sở GTVT An Giang yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe thường xuyên tuyên truyền đến người nộp hồ sơ và các học viên biết các hành vi lừa đảo nêu trên, không nghe các đối tượng gợi ý đưa tiền để học mẹo, bao thi đậu dưới mọi hình thức. Trong quá trình dự thi sát hạch, nếu có ý kiến thắc mắc thì người dự thi phản ánh đến giáo viên, nhân viên phục vụ sát hạch hoặc sát hạch viên để được hướng dẫn (các sát hạch viên khi tổ chức sát hạch đều đeo thẻ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp).

Đồng thời, các cơ sở đào tạo lái xe niêm yết công khai tại các điểm thu nhận hồ sơ: Học phí, phí sát hạch lái xe, lệ phí cấp GPLX. Nhân viên thu tiền giao lại cho người nộp tiền hóa đơn hoặc biên lai thu phí, lệ phí có mệnh giá bằng với số tiền người học phải nộp theo quy định nhà nước. Cơ sở đào tạo phát phiếu dự sát hạch cho người tham dự sát hạch kể cả thi mới và thi lại.

Các trung tâm sát hạch lái xe phối hợp và tạo mọi điều kiện để các cơ sở đào tạo lái xe đưa học viên đến ôn luyện đúng kế hoạch; công khai mức thu phí sát hạch lái xe và giá các dịch vụ khác; xây dựng phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các kỳ sát hạch lái xe.

Đối với người dự sát hạch lái xe phải mang theo phiếu dự sát hạch. Nhân viên trung tâm sát hạch kiểm tra xác định người dự sát hạch theo danh sách sát hạch thì mới được vào khu vực dự sát hạch (không để người không có nhiệm vụ vào trung tâm trong quá trình tổ chức sát hạch). Các nhân viên phục vụ sát hạch phải đeo băng tay màu đỏ có ghi chữ “Phục vụ sát hạch”.

Nếu phát hiện các đối tượng cò mồi, lừa đảo trà trộn trong khu vực đào tạo, sát hạch viên kiên quyết mời ra khỏi khu vực hoặc báo cho công an địa phương xử lý…

MINH THƯ