Cảnh báo tình trạng bị lừa bán sang Campuchia lao động

30/06/2022 - 09:51

 - Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) liên tục tiếp nhận nhiều đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia lao động bị bóc lột, cưỡng bức, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc và mong muốn được công an hỗ trợ đưa nạn nhân về Việt Nam.

Thông qua mạng xã hội, nhiều người Việt Nam bị lừa sang Campuchia lao động và bị bóc lột, cưỡng bức

Thủ đoạn cụ thể, thông qua mạng xã hội: Zalo, facebook, wechat, Telegram... các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc với công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, với mức lương từ 700-1.000 USD/tháng (tương đương 16-23 triệu đồng) và mọi chi phí đi lại được chi trả trước. Thấy lời mời hấp dẫn, kèm lương cao, một số thanh, thiếu niên Việt Nam đang tìm việc làm đã dễ dàng chấp nhận qua Campuchia làm việc.

Những người tìm việc được các đối tượng hướng dẫn đường đi vượt biên trái phép qua Campuchia thông qua các đường mòn, đường đồng ruộng... Khi qua đến lãnh thổ Campuchia có các đối tượng đón, đưa đến các địa điểm tập kết có trụ sở công ty. Tuy nhiên, những công ty này đều do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia. Tại đây, các đối tượng dẫn dụ là người Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc giao công việc và hướng dẫn nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội quảng cáo cho các trang website đánh bạc trực tuyến; giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam.

Các đối tượng người Trung Quốc ép nạn nhân thực hiện các chỉ tiêu về số lượng tiền người tham gia đánh bạc hoặc số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt từ 1.000 USD trở lên. Các đối tượng bố trí người canh gác, quản thúc nạn nhân nghiêm ngặt, không cho liên lạc về gia đình, nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống. Đa số các nạn nhân bị lôi kéo, dụ dỗ đưa sang Campuchia làm việc đều không hoàn thành chỉ tiêu, khi nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì các đối tượng người Trung Quốc yêu cầu liên hệ với gia đình đòi tiền chuộc từ 5.000-7.000 USD (khoảng 120-160 triệu đồng), đồng thời đe dọa sẽ đánh đập, chặt tay, chân nếu gia đình không đưa tiền chuộc đúng hẹn.

Điển hình như chị T.T.T (ngụ huyện Thoại Sơn) đến công an trình báo, con trai V.N.N (sinh năm 2002) vào chiều 15/6/2022 lên tỉnh Bình Dương thăm chị ruột. "Đến 11 giờ 30 phút, ngày 16/6/2022, con tôi nói là đi tỉnh Đồng Nai chơi 2 ngày về, nhưng bị người không rõ lai lịch đưa sang Camphuchia làm việc trong công ty không biết tên. Tại Campuchia, con tôi lao động cực khổ, bị thu giữ điện thoại, giấy tờ tùy thân, mỗi buổi trưa cho điện thoại video về nhà nhưng có người đứng kế bên giám sát chặt chẽ, con tôi nói là làm việc khỏe lắm, lương cao, làm vài tháng về. Nhưng đến đêm, con tôi lên nhắn tin đòi về nhà vì bị người ta lừa gạt, làm việc cực khổ, có người giám sát 24/24 giờ khiến con tôi phải sống trong lo sợ". Chị T. khẩn thiết nhờ công an giúp đỡ đưa con trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Tiếp đó, ngày 22/6, Phòng Cảnh sát Hình sự tiếp nhận trình báo của bà L.T.N (sinh năm 1986, ngụ TP. Châu Đốc). Bà N. cho biết: “Ngày 19/4/2022, em ruột tên L.X.V. (sinh năm 1988) đến TP. Hồ Chí Minh tìm 1 người tên Mạnh quen qua mạng xã hội facebook để đưa qua Campuchia làm việc. Sau khi sang Campuchia thì mới biết mình đã bị bán cho Trung Quốc với giá 3.000 USD và bắt buộc V. phải làm việc, V. đã gọi điện về gia đình nói nếu muốn đưa V. về Việt Nam thì gia đình phải lo tiền chuộc từ 6.000-7.000 USD”.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự đã làm việc với bà N. Bà N. cho biết: “Em ruột bà đến TP. Hồ Chí Minh để làm thuê và không liên lạc với gia đình. Đến ngày 3/6/2022, V. gọi cho bà N. thông qua mạng xã hội zalo báo đã bị một số đối tượng lừa sang Campuchia để làm việc, không thể trở về Việt Nam. V. nói trong quá trình đến TP. Hồ Chí Minh để tìm việc làm có quen 1 người tên Mạnh thông qua facebook và người này giới thiệu V. đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) làm thuê, lương khoảng 10.000.000 đồng/tháng, được lo ăn, ở và kêu V. thuê khách sạn nghỉ, rồi chờ xe đến đón. Sau đó, có 1 xe ôtô đến đón V. đưa đến tỉnh Tây Ninh. Đến nơi, có khoảng 20 người Việt Nam đang chờ V. tại một cánh đồng và yêu cầu V. cùng chạy qua cánh đồng để sang Campuchia. Sau đó, có người đến đón và đưa mọi người về một căn nhà. Tại đây, V. bị bắt buộc làm quảng cáo cho game đánh bạc online và chịu sự quản lý của chủ nơi này (người Trung Quốc), ai không làm việc được sẽ bị bán cho người khác. V. cho biết, trong quá trình làm việc luôn bị người Trung Quốc quản lý và canh giữ; ai bỏ trốn sẽ bị đánh đập; nếu muốn được về Việt Nam thì gia đình phải lo tiền chuộc từ 6.000-7000 USD”.

Thượng tá Nguyễn Hữu Thơ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: “Đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận 3 vụ trình báo nhờ công an giải cứu người thân bị lừa bán sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức. Có trường hợp cung cấp được địa chỉ, hình ảnh, định vị qua điện thoại vị trí tại Campuchia...”.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh khuyến cáo, người dân không nghe theo lời chào mời việc nhẹ lương cao, không biết lai lịch sẽ dễ bị dẫn dụ của người giới thiệu việc làm, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Người dân không tiếp tay, giúp đỡ cho nhóm đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Khi phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép, cần thông báo cơ quan công an gần nhất. Đề nghị quần chúng nhân dân cảnh giác không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc và bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản như các trường hợp trên. Nếu công dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài.

HẠNH CHÂU