Cảnh giác trước thông tin “giật gân” trên mạng xã hội

05/01/2022 - 06:04

 - Mạng xã hội là công cụ thông tin rất hữu hiệu, mang đến biết bao tiện lợi, kiến thức, giao tiếp vượt bậc cho con người. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tạo ra thế giới hỗn loạn về tin thật, tin giả hoặc nửa thật, nửa giả, không biết đâu mà lần. Nếu mất bình tĩnh, thiếu kiểm chứng, người dùng mạng xã hội sẽ bị “lạc lối”, nhìn nhận vấn đề phiến diện, một chiều.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, bất cứ ai cũng có thể trở thành “người cung cấp thông tin” cho cộng đồng mạng. “Thượng vàng hạ cám” đều được đăng tải. Rất nhiều trường hợp, mạng xã hội trở thành phương tiện chuyển tải phản ánh, khiếu nại, tố cáo.

Bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng trở thành sức ép lớn đối với cơ quan chức năng, địa phương hoặc tạo làn sóng khủng hoảng truyền thông, gây nhiều hệ lụy về sau. Bên cạnh đó là tình trạng lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức; quảng cáo, thông tin sai sự thật về sản phẩm; thông tin thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục… ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.

Đặc biệt, lợi dụng mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc tình hình đất nước, chống phá Đảng, nhà nước, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước...

Mới đây nhất (cuối tháng 12-2021), nhiều trang mạng xã hội, tổ chức phản động tung hình ảnh, video clip, đẩy thành vấn đề nóng: “Nghi vấn công an đánh chết dân?”, xoay quanh vụ việc ở ấp Mỹ An (xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Kéo theo đó là hàng loạt bình luận, chỉ trích rất khó nghe từ cư dân mạng, dù họ chưa nắm rõ thực hư câu chuyện thế nào.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, chiều 21-12-2021, Công an xã Nhơn Mỹ bố trí 2 tổ công tác để tuần tra, mật phục khu vực gần điểm tài xỉu, đợi “động tĩnh” của các đối tượng, tiến hành kiểm tra, bắt quả tang. Đến tối, lực lượng xác định khoảng 10 người tham gia đánh bạc bằng hình thức lắc tài xỉu.

Đồng chí Hồ Minh Tùng (Công an viên) được phân công ở lại giữ xe của lực lượng, những người khác đi vào điểm lắc tài xỉu. Lúc này, ông Nguyễn Văn K. (sinh năm 1967) và các con Nguyễn Văn T.E (sinh năm 1987), Nguyễn T.A (sinh năm 1984) uống rượu say, từ trong nhà bước ra, mắng đồng chí Hồ Minh Tùng: “Mấy thằng bây là Công an xã à, đụng ổ rồi”. Họ kéo xe môtô của lực lượng làm nhiệm vụ và đồng chí Tùng vào trong sân nhà mình, đánh nhiều cái vào người.

Một thanh niên lạ mặt đến bênh vực cha con ông K., tấn công tổ công tác. Dù được mọi người khuyên ngăn, nhưng cha con ông K. vẫn lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ, thậm chí xông đến hành hung. Do vậy, họ được “mời” về trụ sở Công an xã để xác minh, làm rõ sự việc. Riêng T.A và thanh niên lạ mặt bỏ chạy.

Tại trụ sở, Công an xã bố trí ông K. và T.E ngồi tại hội trường. Bà Nguyễn Thị Thu Th. (sinh năm 1970, vợ ông K) chạy xe đến, trình bày chồng mình có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp. Mọi người đưa ông đến Trạm Y tế xã Nhơn Mỹ để kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, ông đã tử vong. Đồng chí Tùng cảm thấy mệt sau khi bị hành hung, nên đến Trạm Y tế khám, theo dõi sức khỏe.

Sáng 29-12, nhiều thân nhân của ông K. kéo đến Trạm Y tế theo dõi kết quả khám nghiệm tử thi của lực lượng chức năng. Lúc này, một số đối tượng quá khích phản ứng, gây rối, chống đối, quay video clip đăng, tán phát trên mạng xã hội (Facebook, Tik Tok…), nhằm kích động người dân tiếp tục gây rối, đòi “tìm ra lẽ phải”, nguyên nhân tử vong của ông K. Vụ việc thu hút nhiều sự chú ý, quan tâm của dư luận trong và ngoài tỉnh. Cơ quan chức năng, địa phương và ngành chuyên môn vào cuộc tích cực, đăng tải thông tin kịp thời, đầy đủ, phản bác lại luận điệu sai sự thật xung quanh vụ việc. Nhờ vậy, định hướng tốt và dập tắt dư luận tiêu cực trong quần chúng nhân dân.

Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy, mạng xã hội là nơi hội tụ “những chiếc lưỡi không xương”, với trí tưởng tượng “phong phú” và xoáy sâu vào tâm lý thích xem tình tiết “giật gân”, “bất thường” của một bộ phận “anh hùng bàn phím”. Họ phủ nhận, làm lơ trước nỗ lực, đóng góp của chính quyền địa phương, ngành chức năng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Thế nhưng, họ lại sẵn sàng nhảy vào “đòi quyền lợi chính đáng”, “yêu cầu công bằng”, “bắn bỏ đối tượng gian ác” chỉ từ vài thông tin vu vơ, chưa được kiểm chứng.

Để không tiếp tay cho kẻ xấu, trở thành người vi phạm pháp luật trên không gian mạng, từng người dân hãy tỉnh táo, bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin từ các nguồn không chính thống, đặc biệt là mạng xã hội; theo dõi báo chí, trang thông tin chính thống của địa phương, ban, ngành để nắm rõ vụ việc. Mặt khác, đừng vội bình luận, chia sẻ khi chưa thật sự nắm rõ vấn đề; luôn trách nhiệm với hành vi và phát ngôn của bản thân, cân nhắc lợi - hại trước khi thực hiện, với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Nên nhớ rằng, mạng Internet tuy ảo, nhưng hậu quả thật!

TÂM MINH

 

Liên kết hữu ích