Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc chính sách đối với người có công

26/07/2021 - 06:37

 - Đảng, nhà nước và nhân dân luôn quan tâm với tình cảm, trách nhiệm sâu sắc để chăm lo người có công và gia đình người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các thương binh, gia đình liệt sĩ. Người cùng với Trung ương Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Thực hiện chỉ thị của Người, cuộc họp vào tháng 6-1947 ở Đại Từ - Thái Nguyên đã thống nhất lấy ngày 27-7 làm “Ngày thương binh toàn quốc” (tháng 7-1955, đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ). Hàng năm vào ngày này, Người thường gửi thư và quà đến các thương binh và gia đình liệt sĩ; trích lương, gửi nhu yếu phẩm cho thương binh tại các trại điều dưỡng.

Chiến tranh lùi dần vào quá khứ, đất nước hòa bình và đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. 74 năm qua, đến ngày 27-7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn dành mọi tình cảm tri ân, hướng về các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc.

Hiện nay, các chủ trương, chính sách dành cho người có công, gia đình người có công với cách mạng ngày càng hoàn thiện; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tu bổ đền đài, nghĩa trang liệt sĩ được luôn được quan tâm; chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện về nhà, đất ở. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể thiết thực, phong phú, sáng tạo trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Thế nhưng, những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, trên không gian mạng xuất hiện những bài viết, video clip và một số tác phẩm văn học của một số kẻ chống đối, cơ hội chính trị, lợi dụng một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ở một số nơi để phủ nhận, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội đối với người có công, gia đình người có công với cách mạng. Chúng cho rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam vô ơn với liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, lạnh lẽo khói hương ngày giỗ các anh”... 

Nguy hiểm và trắng trợn hơn, chúng còn kêu gọi, tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị lập ra các hội, nhóm cựu chiến binh… hoạt động trái pháp luật, từ đó tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia, gây mất an ninh trật tự…

Còn các thế lực phản quốc lưu vong gọi cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai là cuộc “chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn”, “miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam” để từ đó đi đến đồng nhất nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của lực lượng cách mạng với những kẻ cầm súng phò trợ ngoại bang là liệt sĩ - tử sĩ, rồi kêu gào đòi sự công bằng và khi không được thì chúng tấu hài “Ngay trong lúc đi tìm sự hòa hợp, chúng ta vẫn chỉ đi tìm từ phía “kẻ thắng”, nên khó mà tìm ra sự đồng thuận”.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Hàng năm, nhà nước dành hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công được xây dựng, thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi y tế, giáo dục và đào tạo, sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm…

Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hàng tháng tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên mức 1.624.000 đồng năm 2020. Cuối năm 2020, có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Những thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo sự thật tuy không mới, nhưng hễ có dịp là các thế lực xấu lại lan truyền hòng làm suy giảm lòng tin của một bộ phận những người nhẹ dạ, cả tin, từ đó gây ra sự “chuyển hóa”, làm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước tình hình đó, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thô bỉ, thấp hèn của chúng. Các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, nhất là trong thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, gia đình người có công, coi đó là tình cảm, vinh dự và trách nhiệm đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

S.T