Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

05/04/2022 - 06:52

Khi áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến, như: Thực hiện theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, công nghệ sinh thái, sử dụng các thiết bị hiện đại thay cho sức người lao động… giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất. Đặc biệt, còn giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, góp phần bảo vệ môi trường. Đây chính là mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” được thực hiện trong vụ lúa đông xuân 2021-2022, tại xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH” được Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành phối hợp Trung tâm Khuyến nông An Giang và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức thực hiện. Có 4 nông dân tham gia mô hình canh tác giống lúa Đài thơm 8, trên diện tích 8,5ha (2ha ruộng mô hình và 6,5ha ruộng đối chứng). Mới đây, mô hình đã được tổng kết, ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022.

Cụ thể, mục đích thực hiện mô hình giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán từ 150-200kg/ha xuống 80kg/ha. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng để tăng hiệu quả sản xuất lúa. Để chuẩn bị tốt công tác triển khai và thực hiện mô hình, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền đã phối hợp với các chuyên gia tổ chức tập huấn đầu vụ cho nông dân và cán bộ khuyến nông 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL bằng hình thức trực tuyến (online) thông qua ứng dụng Zoom, kênh YouTube Bình Điền Đầu Trâu.

Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận

Từ ngày 19 đến 22/10/2021, nông dân được các nhà khoa học và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cung cấp những thông tin, giải đáp một số vấn đề, như: Biện pháp giảm giống, kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với BĐKH, giải pháp quản lý dịch hại, quản lý dinh dưỡng tiết kiệm, hiệu quả và hướng dẫn quy trình sử dụng phân bón Đầu Trâu cho các hộ đang tham gia mô hình…

Đồng thời, hướng dẫn nông dân bón phân hợp lý, quản lý nước theo phương pháp ngập - khô xen kẽ, biện pháp quản lý dịch hại nhằm giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để giúp quá trình tổng hợp chi phí sản xuất và hiệu quả kinh tế cuối vụ, công ty còn phát hành sổ tay và hướng dẫn nông dân ghi chép chi tiết chi phí sản xuất và quy trình canh tác vào sổ nhật ký canh tác.

Đối với 4 hộ tham gia ruộng mô hình, trong đó có 1 hộ kéo hàng và 3 hộ phun bằng máy với lượng giống 80kg/ha. Trong khi đó, ruộng đối chứng sẽ sạ hoàn toàn bằng máy với lượng giống từ 160-180kg/ha, đúng theo tập quán sản xuất trước nay của nông dân. Sau thời gian canh tác, hiệu quả thu được rất khả quan, giảm được chi phí sản xuất, năng suất đạt nên lợi nhuận nâng cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống.

Cụ thể, so với phương pháp canh tác của nông dân, khi tham gia mô hình canh tác lúa thông minh đã giúp bà con giảm chi phí sản xuất gần 4 triệu đồng/ha (do giảm lượng giống gieo sạ từ 150-200kg/ha xuống 80kg/ha; sử dụng phân bón hiệu quả; giảm công lao động, chi phí thuốc bảo vệ thực vật do áp dụng công nghệ sinh thái…).

Nhờ vậy, đã giúp nông dân tham gia mô hình gia tăng lợi nhuận hơn so với tập quán sản xuất trước đây từ 2,5 - 6,3 triệu đồng/ha. Nhờ hiệu quả thu được, mô hình sẽ được triển khai tiếp tục trong vụ hè thu sắp tới.

Anh Dương Văn Ngọt (xã Vĩnh Hanh) trực tiếp tham gia mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH”. Khi tham gia, anh Ngọt cũng như những nông dân khác được tham gia các buổi tập huấn, tiếp cận các nhà khoa học, được cung cấp thông tin. Đồng thời, được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa, tiếp cận được loại phân bón hiệu quả sử dụng trên vùng đất phèn. Mỗi ngày đi thăm ruộng, nhìn cây lúa xanh tươi, anh Ngọt cũng như các nông dân tham gia mô hình đều hết sức phấn khởi.

Đối với những người làm nông, có niềm vui nào lớn hơn là nhìn ruộng đồng sạch bệnh, lúa khỏe trĩu hạt. Anh Ngọt cho biết, trước đây cũng nghe nói đến kỹ thuật sạ thưa, nhưng vẫn chưa mạnh dạn áp dụng vì sợ không mang lại hiệu quả. Nhờ được trực tiếp trải nghiệm, canh tác trên ruộng lúa nhà mình mới thấy được hiệu quả.

“Phương pháp sạ thưa vừa giảm được lượng giống mà trong thời điểm mùa nắng như vụ đông xuân vừa rồi là hoàn toàn phù hợp, rất hiệu quả. Trên bờ ruộng còn được hướng dẫn trồng nhiều loại hoa dẫn dụ thiên địch, đến kỳ thì có drone (thiết bị máy bay không người lái) đảm nhận nhiệm vụ phun thuốc trên đồng ruộng, cây lúa rất khỏe, mà nông dân đỡ cực rất nhiều. Sắp tới, vào vụ hè thu sẽ tiếp tục thử nghiệm giống lúa khác, thời điểm mưa nhiều, nếu có thể tối lưu lợi nhuận cho nông dân thì đây là mô hình xứng đáng được nhân rộng” - anh Ngọt mong muốn.

Bà con nông dân được trực tiếp trải nghiệm những hiệu quả mà mô hình đem lại, góp phần thay đổi nhận thức về giảm mật độ gieo sạ mà năng suất vẫn đảm bảo, nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa thích ứng với điều kiện BĐKH.

ÁNH NGUYÊN