Nhằm cập nhật tiến bộ trong tầm soát và điều trị đột quỵ, nâng cao nhận thức về nguy cơ và phát hiện sớm dấu hiệu của đột quỵ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Y tế tổ chức Hội nghị báo cáo viên chuyên đề cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chuyên đề đột quỵ cho gần 5.300 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến tại 147 điểm cầu.
TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp thần kinh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu tại Việt Nam, đang có khuynh hướng trẻ hóa và trẻ hóa bất thường. Dưới 40 tuổi, thậm chí mới hơn 20 tuổi cũng xảy ra đột quỵ cấp. Mỗi 3 phút có 1 người đột quỵ, nguy cơ đột quỵ chiếm 20% dân số, không loại trừ ai”.
TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp thần kinh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về điều trị đột quỵ
Đối tượng nguy cơ cao đột quỵ là: Tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì; các bệnh của hệ thống mạch máu não; hút thuốc lá; nghiện rượu; bệnh tim mạch, rối loạn đông máu. Nguy cơ tử vong và tàn phế sau đột quỵ phụ thuộc vào hiểu biết của người thân và điều kiện chăm sóc y tế khẩn cấp. Khoảng 80% trường hợp đột quỵ do thiếu máu não (tắc, hẹp mạch máu não) và 20% trường hợp xuất huyết não (vỡ mạch máu não).
Đa số trường hợp đột quỵ thiếu máu não có triệu chứng báo trước, nhưng bệnh nhân thường bỏ qua, như: Cơn choáng váng chóng mặt, mờ mắt mất kiểm soát trong vài giây; cơn tê yếu nửa người thoáng qua; tự nhiên nói khó, đớ giọng, méo miệng, sau đó phục hồi.
Nếu có các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua, nguy cơ xảy ra đột quỵ cho bệnh nhân có thể lên đến trên 20% trong 90 ngày. Việc chẩn đoán và điều trị đột quỵ phải được thực hiện “càng sớm càng tốt” tại các bệnh viện chuyên khoa, được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, cùng với máy móc hiện đại (CT, MRI, đặc biệt là máy chụp mạch DSA).
TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh: “Đột quỵ thực sự là bệnh tim mạch nguy hiểm cho người dân. Cần tăng cường phòng chống, điều trị, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh đột quỵ đến bệnh viện sớm trong 4,5 giờ đầu, từ khi khởi phát cơn đột quỵ, được coi là “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh, giảm tỷ lệ di chứng nguy cơ tử vong, tàn phế. Bởi đối với bệnh nhân đột quỵ, mỗi phút trôi qua có đến 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi”.
Đột quỵ hoàn toàn có thể chẩn đoán, tầm soát sớm và điều trị dự phòng. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ thực hiện chương trình tầm soát đột quỵ, thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Thần kinh đột quỵ. Kiểm tra và đánh giá các yếu tố nguy cơ; tầm soát bệnh động mạch (động mạch cảnh, động mạch vành).
MRI sọ não tầm soát các bệnh lý như bệnh nhu mô não, u não. MRI mạch máu não đánh giá tất cả mạch máu trên não. “Tại S.I.S trang bị 3 máy MRI 3 TESLA MAGNETOM Spectra, Lumin. Đặc biệt, S.I.S là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam trang bị máy CT Photon chẩn đoán chính xác cao, an toàn, hiệu quả, mang tầm quốc tế”- TS.BS Trần Chí Cường thông tin.
BS.CKII Đoàn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đã mở rộng mạng lưới cấp cứu điều trị đột quỵ. An Giang là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL có 4 bệnh viện tham gia điều trị đột quy, đều đạt giải thưởng do Hội Đột quỵ Thế giới trao tặng, gồm: Giải Kim cương (Bệnh viện Tim mạch An Giang), Giải Bạch kim (Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang), Giải Vàng (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu). Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh ngoài sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị, còn có khả năng thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối mạch não. Tỉnh huy động hệ thống 156 xe cấp cứu từ thiện để chuyển cấp cứu bệnh đột quỵ...”.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Thị Hồng Loan nhấn mạnh: “Luôn coi con người là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, nên công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được Tỉnh ủy rất quan tâm chỉ đạo. Điều này thể hiện qua nghị quyết các kỳ đại hội, chương trình, kế hoạch, chỉ thị chuyên đề, gần nhất là Kế hoạch 48-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, phấn đấu giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong; tăng tuổi thọ trung bình đến năm 2025 khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm”.
Những năm qua, sự nghiệp y tế của tỉnh đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề nhận thức về căn bệnh đột quỵ ở một bộ phận người dân và cán bộ y tế còn hạn chế, nhất là thông tin về tiến bộ của y học hiện đại.
Để đạt mục tiêu trên, hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Y tế phối hợp mời các chuyên gia y tế đầu ngành về An Giang tư vấn, cung cấp thông tin bổ ích để người dân tự phòng bệnh, sớm phát hiện, điều trị kịp thời, góp phần cải thiện chất lượng giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các dấu hiệu để nhận biết một người đang bị đột quỵ (FAST): Face: Khuôn mặt bị mất cân đối; yếu liệt mặt. Hãy bảo người đó cười và quan sát. Arm: Yếu liệt tay chân. Hãy bảo người đó giơ tay lên và so sánh. Speech: Giọng nói bị thay đổi. Hãy bảo người đó nói những từ đơn giản. Time: Nếu phát hiện những dấu hiệu trên, hãy nhanh chóng gọi Tổng đài (18001115) để được kịp thời tư vấn cấp cứu và điều trị.
|
HẠNH CHÂU