Cây chúc là loại cây đặc sản của vùng Bảy Núi, được người dân trồng nhiều ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Nhiều bậc cao niên kể rằng, không biết cây chúc có tự bao giờ nhưng từ lâu mọi người đã thấy sự hiện diện của cây chúc trong đời sống sinh hoạt và ẩm thực nơi đây. Trước đây, cây chúc rất quý vì nó chỉ có một số ít ở các phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Hiện nay, cây chúc được người dân Bảy Núi trồng phía trước nhà, vừa để chế biến món ăn, làm thuốc, vừa xua đuổi rắn bò vào nhà.
Cây chúc cùng họ với chanh, là cây thân gỗ, cây trưởng thành có thể cao từ 2-10m. Thân cây có gai ngang. Lá có hình gần tương tự số 8, có tinh dầu, mùi thơm nồng. Hoa nhỏ, trắng thành chùm ngắn ở nách lá. Trái chúc tròn, vỏ khá dày, sần sùi và nhiều nếp nhăn, lúc còn non có màu xanh lục, khi chín có màu vàng. Bên trong, thịt trái chúc màu vàng xanh, ít nước, đặc biệt nước có vị the và rất chua. Đặc biệt, cả lá và trái chúc đều có mùi thơm đặc trưng.
“Cây chúc rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhưng cây vẫn phát triển tốt. Cây chúc có thể được trồng từ hạt hoặc chiết cành. Cây chúc trồng từ 5-8 năm tuổi mới cho trái, càng lâu năm trái càng nhiều. Mỗi năm, cây chúc ra trái 1 lần vào mùa mưa khoảng tháng 6-8 (âm lịch)” - chị Néang Ray Tha (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) cho biết.
Cả trái và lá chúc đều có những công dụng riêng, thường được người dân dùng làm phương thuốc trị bệnh giải cảm, nghẹt mũi, khó tiêu… Trái chúc có vị chua thanh, thơm lâu và mùi hương nồng nàn. Những phụ nữ ở vùng Bảy Núi dùng trái chúc để gội đầu với tác dụng làm tóc mượt mà, óng ả, hương thơm dịu nhẹ của chúc tỏa ra từ mái tóc giúp sảng khoái và dễ ngủ. Trái chúc có nước cốt chua gắt, hơi the, có thể sử dụng thay thế chanh tạo vị chua dùng để ăn tươi, làm thức uống giải khát, ngâm đường phèn, ngâm rượu hoặc làm gia vị pha nước chấm, trộn gỏi, nấu canh… làm tăng hương vị và hạn chế mùi tanh của một số món ăn.
Nước của trái chúc còn được dùng để trị chứng biếng ăn, bỏ bữa ở động vật nuôi, trâu bò. Lá chúc có mùi thơm đặc trưng như trái chúc nên được nhiều chuyên gia ẩm thực sử dụng như một gia vị để chế biến nhiều món ngon, hấp dẫn, như: gà hấp lá chúc, khô gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc, nấu lẩu hay canh chua…
Lá chúc còn giúp kích thích khứu giác và dịch vị người ăn, giúp khử mùi tanh những món chứa độ đạm cao, như: bò, gà, lươn, rắn và hỗ trợ tiêu hóa. Người dân còn giã nát lá chúc cho xuống đáy ao, hồ để đàn cá lớn nhanh, khỏe mạnh. Ngoài ra, vỏ trái chúc chứa hàm lượng tinh dầu rất cao và có mùi hương rất đặc trưng, thích hợp để chiết xuất tinh dầu làm hương liệu và dược liệu.
Chị Châu Hải Yến (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) người đã nghiên cứu và sản xuất thành công tinh dầu từ trái và lá chúc cho biết, cây chúc ở vùng Bảy Núi được trồng tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên cây không bị nhiễm các chất độc hại. Tinh dầu chúc được sử dụng trong nội thất nhà ở, xe ôtô hoặc có tác dụng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, như: diệt khuẩn không khí, kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đầy hơi, khử mùi, trị bệnh tiêu hóa, giải cảm, chống nôn, chống say xe, trị đau đầu, giúp ngủ ngon, xua đuổi muỗi, làm gia vị kích thích vị giác và khứu giác, tạo cảm giác ngon miệng, dễ tiêu hóa, thoải mái tinh thần, giảm căng thẳng, gội đầu giúp tóc bóng mượt, chắc, khỏe, giảm gãy rụng… Từ đó, chị Yến đã sản xuất nhiều sản phẩm từ trái chúc, như: tinh dầu, xà bông, nước rửa tay, nước rửa chén, serum dưỡng tóc hương chúc…
Hiện nay, cây chúc được người dân ở đồng bằng, thành thị biết đến nhiều và được trồng để làm kiểng, sử dụng lá và trái làm gia vị trong một số món ăn hàng ngày, góp phần nâng cao giá trị của giống cây đặc trưng vùng Bảy Núi.
TRỌNG TÍN