Chăm lo phúc lợi cho đoàn viên từ quỹ Xã hội công đoàn

01/10/2020 - 06:37

 - Từ nguồn quỹ Xã hội công đoàn, mỗi năm công đoàn tỉnh trích kinh phí chăm lo cho hàng ngàn đoàn viên và các hoạt động xã hội khác, nhất là ưu tiên cho đoàn viên hoàn cảnh khó khăn đột xuất, ốm đau, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở.

Mái ấm công đoàn là một trong những nội dung chăm lo cho đoàn viên được Liên đoàn Lao động tỉnh trích quỹ Xã hội công đoàn thực hiện

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Phan Thị Diễm cho biết, quỹ Xã hội công đoàn được LĐLĐ tỉnh thành lập từ năm 1995, huy động sự đóng góp, ủng hộ từ công nhân, viên chức, người lao động (NLĐ), các đơn vị, doanh nghiệp để góp phần cùng tổ chức công đoàn mở rộng các hoạt động xã hội, nhất là chăm lo đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2019, nguồn quỹ đã hỗ trợ 121 căn nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên (cất mới 87 căn, sửa chữa 34 căn), tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Đồng thời, trợ cấp ốm đau cho gần 7.600 lượt đoàn viên, NLĐ với số tiền trên 2,6 tỷ đồng. 9 tháng của năm 2020, quỹ Xã hội công đoàn các cấp tiếp tục chi hỗ trợ 105 căn nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên (LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 35 căn, LĐLĐ cấp huyện hỗ trợ 70 căn), tổng số tiền 3 tỷ 580 triệu đồng; thăm hỏi, trợ cấp ốm đau cho trên 7.800 lượt đoàn viên, NLĐ với số tiền 2,9 tỷ đồng.

Dựa trên tình hình thực tế, so với trước đây, nguồn quỹ hỗ trợ sửa chữa và cất nhà được nâng lên nhằm giảm áp lực tài chính cho đoàn viên, với mức hỗ trợ cụ thể: cất mới 40 triệu đồng/căn (trước đây 30 triệu đồng); sửa chữa 20 triệu đồng/căn (trước đây 15 triệu đồng). Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 3 gia đình công nhân lao động bị tử vong do tai nạn giao thông, sập công trình tại tỉnh Đồng Nai, hỗ trợ 5 đoàn viên thuộc Công đoàn cơ sở Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh bị hỏa hoạn... Nguồn quỹ còn hỗ trợ cho học sinh là con đoàn viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đoàn viên hoặc thân nhân bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Năm 2020, quỹ Xã hội công đoàn được LĐLĐ tỉnh trích kinh phí để tổ chức đoàn đến tận nơi thăm hỏi, động viên, tặng đồ dùng, thực phẩm thiết yếu cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, sử dụng kết hợp với quỹ Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình hạn hán của tỉnh, nguồn tài chính công đoàn để hỗ trợ 1 lần cho 3.230 đoàn viên, NLĐ không thuộc đối tượng của gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP với số tiền 1 tỷ 615 triệu đồng. Riêng giáo viên, bảo mẫu các trường mầm non, nhà trẻ tư thục tạm ngừng hoạt động trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được công đoàn tỉnh trích 27 triệu đồng hỗ trợ 31 trường hợp.

Tháng 8 vừa qua, kết hợp với việc trao học bổng Tôn Đức Thắng, LĐLĐ tỉnh sử dụng kinh phí từ quỹ Xã hội công đoàn trao hỗ trợ cho 2.000 trường hợp đoàn viên đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đời sống do dịch bệnh COVID-19. Điển hình như trường hợp chị Võ Mỹ Linh (thị trấn An Châu, Châu Thành), làm công nhân tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Chị Linh gắn bó với công ty được 13 năm, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/tháng, từ khi ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, tiền kiếm được giảm còn hơn 4 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập của chồng (khoảng 4 triệu đồng/tháng) vẫn ổn định hơn so với đi làm tự do. Nhờ sự quan tâm chăm lo của công đoàn các cấp, chị nỗ lực hơn trong công việc, kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất. Con trai của chị đã 2 lần được nhận học bổng Tôn Đức Thắng vì duy trì thành tích học loại giỏi, cá nhân chị được LĐLĐ trao hỗ trợ thêm 500.000 đồng.

Trường hợp của anh Nguyễn Công Trứ, công nhân Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang cũng tương tự. Anh Trứ là lao động chính trong gia đình, vợ phụ thêm thu nhập từ việc làm tự do, cùng nuôi 2 con đang học bậc THPT. Trong lúc khó khăn, anh được nhận hỗ trợ từ LĐLĐ tỉnh và công đoàn cơ sở công ty, càng phấn khởi vì con trai anh cố gắng duy trì học tập để được nhận học bổng lần thứ 2.

Thấy được mục đích chăm lo thiết thực của nguồn quỹ này, đoàn viên được bồi đắp thêm niềm tin, động lực để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu vươn lên trong công tác, lao động, sản xuất.

MỸ HẠNH