Chăm sóc cây mùa nắng nóng

29/04/2024 - 07:41

 - Một số nhà vườn ở miền núi vất vả chống chọi đợt hạn hán kéo dài, thời tiết khá cao trong thời gian qua. Nhiều hộ dân ở khu vực núi Dài (huyện Tri Tôn) đối mặt với thiệt hại về kinh tế do thiếu nước, cây trồng mất mùa.

Tại núi Dài, chưa được 9 giờ sáng, chúng tôi cảm nhận từng hơi gió mang theo sức nóng oi bức, bao trùm lên mảnh rẫy, vườn cây ăn trái, ruộng lúa, hoa màu của bà con nông dân nơi đây. Từ dưới nhìn lên, thấy rõ nhiều khu vực trồng cây rừng trên núi đang bị khô hạn, trơ trọi thành màu vàng khô. Không chỉ hệ sinh thái rừng bị tàn phá bởi nắng hạn kéo dài, nhiều nhà vườn cũng lo lắng khi nhiều loại cây ăn trái không chịu nổi sức nóng ngày càng tăng.

Sở hữu hơn 5ha xoài các loại, ông Út Lợi (ngụ xã Lương Phi) cho biết: “Tôi sinh sống, làm vườn ở đây hơn 20 năm, lần đầu tiên thấy đợt nắng hạn kinh khủng như thế, nhiệt độ có lúc gần 400C. Nhà vườn chúng tôi năm nay sẽ bị thiệt hại không nhỏ. Thông thường, mùa xoài này tôi thu hoạch 6 - 7 tấn. Nhưng tính đến nay, tôi chỉ mới bọc chưa đến 1.000 trái. Ngoài việc thất mùa, vườn tôi có hơn 20 cây xoài chục năm tuổi đang bị héo lá, chết khô vì nắng hóc, không kịp tưới nước…”.

Tích cực bom nước tưới cây giữ vườn

Với sức nóng gay gắt như hiện nay, nhiều loại cây khác, như: Bơ, sầu riêng, dâu… lần lượt rụng lá rồi khô, chết. Cũng như ông Út Lợi, ông Ba Phước chia sẻ: “Xoài là loại cây chịu hạn khá cao, nhưng do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, vườn xoài tôi bị thất mùa, không ra được trái, thậm chí còn có cây chết nữa. Khi đổ thuốc kích thích xong, cây ra nụ, chưa kịp nở hoa thì héo queo vì nắng quá gắt. Làm vườn trên núi, tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống nước. Mỗi ngày, tôi bơm nước từ dưới hồ Ô Tà Sóc lên trữ, rồi xả ra tưới cho kịp, không thôi cũng giống như mấy vườn kế bên, cây chết gần phân nửa”.

Cây ăn trái khi đang trổ nhụy hoa, đậu trái, cần được tưới thường xuyên. Hoặc thời tiết không quá gay gắt thì cây vẫn phát triển ổn định. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, tình hình nắng diễn biến phức tạp, nhà vườn chỉ có thể tưới nước cầm chừng (nếu đã chuẩn bị hệ thống tưới tiêu từ trước). “Mọi năm, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau thường có vài cơn mưa. Nhưng nay đã hơn 4 tháng mà không mưa, thời tiết nắng gắt. Nếu tình hình này tiếp diễn, có thể nhà vườn chúng tôi mất trắng” - ông Út Lợi lo lắng.

Anh Chau Tên (ngụ ấp Tà Miệt, xã Lương Phi) thuê gần 3 công đất dưới mặt bằng ruộng, đầu tư hơn 15 triệu đồng trồng sắn. Nắng hạn kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại sâu, rầy tấn công, cây bị khô héo rũ lá, củ không phát triển. Thời tiết nóng, mặt đất khô, độ ẩm thấp đã làm sắn bị chết hoặc không phát triển được. Ở giai đoạn này, sắn đang tạo bộ rễ củ, nếu không đảm bảo độ ẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Với tình cảnh này, anh xem như mất mùa, thua lỗ.

Nắng nóng ảnh hưởng việc phòng cháy, chữa cháy rừng

Nhằm khắc phục ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết khô hạn gây ra, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân trồng cây ăn trái phải tiếp tục áp dụng biện pháp chăm sóc vườn cây hợp lý, liên hệ với cán bộ nông nghiệp địa phương để được hỗ trợ đảm bảo sự phát triển của cây, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Tình hình thời tiết khô hạn đang diễn biến phức tạp như hiện nay đòi hỏi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh phải được đặc biệt quan tâm. Lực lượng chức năng triển khai nhiều kế hoạch, phương án bảo vệ hệ sinh thái xanh an toàn, phòng cháy tốt và chữa cháy kịp thời. Trong đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Đồng thời, triển khai tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân có rừng và cộng đồng dân cư về quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp. Phối hợp các cơ quan truyền thông chủ động tuyên truyền, phát thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là thời kỳ cao điểm mùa khô.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp đoàn thể, các xã có rừng thực hiện lồng ghép trong buổi họp dân để tuyên truyền giáo dục về nội dung phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, mua bán vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép, hoạt động bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh tăng cường phối hợp với các lực lượng trong tuần tra, kiểm tra phòng chống cháy rừng ở khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao. Xây dựng cấp báo động và phân cấp huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng theo diện tích đám cháy, chịu trách nhiệm chỉ huy.

NGUYỄN HƯNG