Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hậu COVID-19

29/04/2022 - 15:47

 - Đáp ứng nhu cầu của những người từng nhiễm COVID-19 về cách chăm sóc sức khỏe, các vấn đề cần quan tâm giai đoạn “hậu COVID” và trang bị kiến thức cho những người đang điều trị… công đoàn ngành y tế phối hợp Nhà Văn hóa lao động tỉnh An Giang đã mở cuộc tọa đàm xung quanh nội dung này. Đây cũng là một trong chuỗi hoạt động chăm lo sức khỏe tạo điểm nhấn trong Tháng Công nhân năm 2022 dành cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh.

“Tôi đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, vậy có đủ kháng thể để miễn dịch vô thời hạn hay không. Nếu không, có thể phải tiêm thêm một số mũi vaccine nữa không?”

“Tôi bị F0 đã khỏi, nhưng hiện tại cơ thể bị ngứa, khan họng cả tuần chưa giảm, như vậy có phải là hậu COVID-19 không?”

“Tôi có 2 đứa con, lần lượt 9 tuổi và 12 tuổi. Bé 12 tuổi đã tiêm ngừa vaccine COVID-19 được 2 mũi và đã hết bệnh 1 tháng. Vậy sau bao lâu bé sẽ được tiêm ngừa tiếp tục? Còn bé 9 tuổi cũng đã nhiễm COVID-19, trường học đang chuẩn bị tiêm vaccine, vậy tôi có nên cho con tiêm ngừa COVID-19 nữa hay không?”

“Chế độ dinh dưỡng hậu COVID-19 như thế nào để cân bằng và mau bình phục?”

“Sau khi nhiễm COVID-19, chỉ số SPO2 nói lên điều gì về hiện trạng sức khỏe của người bệnh?”…

Đoàn viên đặt câu hỏi về chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

Đó là những câu hỏi tập trung tại tọa đàm đoàn viên thắc mắc để được bác sĩ chuyên môn giải đáp, liên quan đến thể trạng bản thân hoặc người thân. Trực tiếp tư vấn tại tọa đàm là BS. CKII Ngô Hữu Trí, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế An Giang; BS. CKI Lê Hồ Tiến Phương, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang; BS. CKI Lê Minh Đạt, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.

Qua các câu hỏi tư vấn cho đoàn viên, BS Trí cho rằng, trên mạng xã hội hiện có nhiều thông tin khiến người đọc lo lắng. Mỗi người nên quan sát, nếu thấy bản thân có dấu hiệu bất thường thì đi khám, không chờ đợi tình trạng kéo dài. Mặt khác, không nên dựa theo những bài viết trên mạng mà lo âu, stress... Tình trạng khó thở ở giai đoạn hậu COVID chỉ xảy ra với những người có khả năng cao, chứ không phải ai cũng đều bị. Do đó, không nên lo lắng quá và suy nghĩ rằng “COVID không chết mà hậu COVID mới chết”.

Các bác sĩ trả lời câu hỏi và tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động

Ngoài ra, các bác sĩ tại buổi tọa đàm còn chia sẻ về khái niệm F0, F1 theo quy định hiện tại của Bộ Y tế. Theo BS Đạt, đối với những triệu chứng của hậu COVID-19, mọi người có thể tự kiểm soát và điều chỉnh, vì những triệu chứng này đa phần là nhẹ. Ví dụ, nếu khó thở thì tập luyện thể dục- thể thao, siêng vận động giúp chức năng của phổi được phục hồi. Tư vấn tâm lý và phục hồi chức năng là cốt lõi, trong đó tâm lý là cốt lõi nhất. Nếu người bệnh có tâm lý tốt thì khả năng hồi phục sẽ tốt và tiến triển nhanh.

Đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã xảy ra gần 3 năm. Nhờ hệ thống tiêm chủng vaccine phủ rộng khắp, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, hầu hết bệnh nhân đều phục hồi nhanh. Tuy nhiên, tình trạng chung là nhiều người vẫn còn băn khoăn, có dấu hiệu “sang chấn tâm lý”. Vì vậy, việc chăm sóc và điều trị F0 tại nhà đã được các bác sĩ tư vấn cặn kẽ hơn.

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đoàn viên đến tham gia tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm được Ban Tổ chức đánh giá khá thành công, ngoài số đoàn viên tham dự trực tiếp tại hội trường còn thu hút trên 570 người tương tác trên Fanpage của Nhà Văn hóa lao động tỉnh An Giang. Đoàn viên giao lưu câu hỏi cho biết họ đã nhận được những câu trả lời thỏa đáng từ diễn giả để có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe.

Kết hợp với buổi tọa đàm, đoàn viên được tư vấn, khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí hậu COVID-19. Từ thành công này, các đơn vị phối hợp dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện tại doanh nghiệp, gắn với mô hình “Sức khỏe của bạn” để trang bị cho công nhân lao động kiến thức cần thiết liên quan đến bệnh COVID-19.

MỸ HẠNH