Hiện nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút tổ chức chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay, việc chấm thi các môn trắc nghiệm và môn tự luận tại các địa phương được tách riêng thành 2 ban chấm độc lập nên tiến độ chấm cũng khác nhau. Theo báo cáo của nhiều sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay ban chấm thi các môn trắc nghiệm do trường đại học chủ trì cơ bản đã chấm xong bài thi. Chấm thi tự luận đang hoàn tất để chuẩn bị chấm kiểm tra.
Ban chấm thi tự luận của Hội đồng chấm thi tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Minh Hường VOV1)
Năm nay các trường đại học được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm đều tổ chức chấm thi ngay sau khi kết thúc thi THPT quốc gia nên đến nay có nhiều trường đã hoàn thành chấm thi trắc nghiệm. Đơn cử như Trường Đại học Hà Nội đã chấm xong hơn 26.000 bài thi trắc nghiệm và bàn giao kết quả chấm thi cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cũng đã chấm xong hơn 8.000 bài thi cho tỉnh Bắc Kạn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chấm xong hơn 102.000 bài thi trắc nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa... Theo đánh giá của một số trường đại học chấm thi trắc nghiệm, phầm mềm chấm thi năm nay không có khó khăn gì đối với tổ kỹ thuật, quy trình khá chặt chẽ nên tính bảo mật cao. Trong quá trình quét bài thi, phần mềm đã phát hiện nhiều lỗi trong bài làm của thí sinh, tổ kỹ thuật phải tiến hành sửa lỗi sau đó mới có thể chấm bài thi của thí sinh.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Hội đồng chấm thi tỉnh Thanh Hóa cho biết, lỗi phổ biến nằm ở số báo danh và mã đề. “Những lỗi được xem là phần mềm phát hiện ra, gồm sai số báo danh, sai mã đề, trùng số báo danh thì sửa tương đối dễ. Nhưng những lỗi liên quan đến bài làm thì sẽ khó hơn, có thể các em đánh mờ quá, hoặc có thể các em khi đã tô một đáp án xong các em thay đổi đáp án nhưng các em tẩy cái cũ thì chưa hết”- ông Tớp cho biết
Đối với chấm thi môn tự luận- môn Ngữ văn tiến độ chấm chậm hơn so với chấm trắc nghiệm, một số địa phương mới chấm xong vòng 1 và vòng 2 đang thống nhất điểm, một số địa phương chuyển sang chấm kiểm tra. Nhiều hội đồng chấm thi cho biết, đáp án chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất rõ ràng và chi tiết hơn đến 0,25 điểm nên các thầy cô cũng dễ chấm hơn.
Theo bà Hà Thị Lan Hương, Phó trưởng Ban chấm thi tự luận của Hội đồng chấm thi tỉnh Ninh Bình, đáp án chấm chi tiết vừa dễ nhưng cũng có những khó khăn nhất định vì chấm văn không như chấm toán, nếu chia quá nhỏ đáp án sẽ có những ý sáng tạo của học sinh không dễ chia ra như vậy. Tuy nhiên, giám khảo được quán triệt phải chấm thật kỹ, trân trọng từng câu chữ trong bài làm của thí sinh.
Ban chấm thi tự luận của Hội đồng chấm thi tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Minh Hường VOV1)
“Trân trọng bài làm của học sinh và cũng phải bám sát biểu điểm để không bị sót phần bài làm của học sinh. Các thầy cô phải tỉ mỉ hơn. Năm nay tốc độ chấm chậm hơn. Nhiều quy trình yêu cầu cao và chặt chẽ hơn nên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chấm”- bà Hương cho biết.
Theo thống kê ban đầu từ các Hội đồng chấm thi, môn Ngữ văn năm nay ít bài thi được điểm cao. Mức điểm phổ biến là từ 4 đến 7 điểm, rất ít bài được từ 8 điểm trở lên. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết, phổ điểm thì cũng có điểm 9 và cũng có điểm 1,25, rồi 2, 3, 4, nhưng hầu hết số điểm 5, 6, 7 là nhiều. “Năm nay cũng có thể đề theo dư luận mà các thầy cô chấm thì có thể đề khó hơn năm ngoái một chút”- ông Dương nói.
Trong chấm thi môn tự luận, các Hội đồng chấm thi đều tuân thủ quy trình chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi sau khi giám khảo chấm vòng 1, vòng 2 đã thống nhất điểm, trong đó tập trung vào những bài thi đạt điểm cao. Các hội đồng thi đều tuân thủ nguyên tắc chấm kỹ, không áp lực về thời gian, không để sót điểm bài thi, nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Theo MINH HƯỜNG (VOV)