Ảnh minh họa.
Theo Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Bình Thạnh, trong cuộc họp đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, cùng phụ huynh đã thống nhất chọn và bầu Ban Ðại diện cha mẹ học sinh tạm thời của lớp. Sau cuộc họp, Ban Ðại diện cha mẹ học sinh xin ý kiến nhà trường được cải tạo lớp học vì học sinh các lớp tích hợp sẽ học tại các phòng học được phân bố trong suốt 5 năm học (từ lớp 1 đến lớp 5).
Phòng học hiện hữu của lớp được đề xuất sửa chữa các hạng mục gồm làm nền, lắp đặt máy lạnh, sơn tường, quạt, bảng trượt, tủ... Phụ huynh cam đoan việc đầu tư cơ sở vật chất của lớp thực hiện trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận, có sự nhất trí của 29/32 phụ huynh của lớp (vắng 3 phụ huynh dự họp).
Về hiện trạng lớp học 1/2, nhà trường đã trang bị đầy đủ bàn ghế, đèn, quạt, bảng tương tác... nhưng theo Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Bình Thạnh, phụ huynh vẫn có nguyện vọng cải tạo lớp học khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn để con em được học suốt 5 năm. Nhà trường đã đồng thuận theo nguyện vọng của phụ huynh cải tạo sửa chữa lớp gồm các hạng mục như: lắp đặt máy lạnh, quạt hút, lát lại nền, làm tủ lớp, tủ giày, xây bồn hoa trước lớp...
Về khoản thu, tổng số tiền đã thu đầu năm học là 313.300.000 đồng (31/32 học sinh đóng góp). Trong vòng khoảng một tháng, tổng số tiền Ban Ðại diện cha mẹ học sinh đã chi là 260.328.500 đồng, còn tồn 52.971.500 đồng. Trong đó, chi cải tạo lớp học tổng số tiền 227.030.000 đồng; chi cho các khoản như văn nghệ, chi tiền hòa mạng internet, chi tiền lồng đèn, chi tiền ăn uống, gấu bông phục vụ văn nghệ… 20.515.000 đồng. Hai khoản chi này với tổng số tiền hơn 247 triệu đồng được Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Bình Thạnh xác định là thu, chi sai quy định và phải hoàn trả lại cho phụ huynh học sinh.
Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Bình Thạnh chỉ đạo nhà trường thực hiện phê bình đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2. Trước đó, đơn vị này đã có văn bản phê bình Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu, chi Quỹ hoạt động Ban Ðại diện cha mẹ học sinh theo đúng quy định. Ðồng thời, Phòng đã yêu cầu các trường học chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Mặc dù vụ việc đã được xử lý, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục phải có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn triệt để vấn đề này, bởi việc lạm thu quỹ lớp không chỉ xảy ra tại lớp 1/2 của Trường tiểu học Hồng Hà, mà còn diễn ra ở nhiều trường trên phạm vi cả nước. Việc lạm thu hầu như năm học nào cũng xảy ra, ngày càng biến tướng với nhiều khoản thu, chi bất hợp lý. Nguyên nhân được cho là do các quy định về thu, chi không được quy định rõ ràng nên dễ dàng bị lợi dụng để lạm thu, lạm chi, dễ dẫn đến giữa việc xã hội hóa giáo dục và lạm thu quỹ lớp được “đánh đồng” với nhau.
Do đó, cần rà soát các văn bản quy định về thu, chi quỹ lớp trong nhà trường; ban hành văn bản quy định cụ thể các khoản thu, cũng như các khoản chi mang tính tự nguyện, thu hộ cho nhà trường. Việc thu, chi và kinh phí hoạt động của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch. Các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Theo Nhân Dân