Chào năm học mới!

04/09/2024 - 21:46

 - Sáng 5/9, hơn 402.000 học sinh của 710 trường học trong tỉnh chính thức bước vào năm học mới, gồm: Nhà trẻ 3.080 cháu, mẫu giáo 49.830 học sinh, tiểu học 160.340 học sinh; THCS 128.565 học sinh; THPT 60.405 học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tích cực phối hợp các cấp, ngành và toàn xã hội chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm, An Giang xác định đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển. Tỉnh ưu tiên phân bổ ngân sách chi cho sự nghiệp GD&ĐT chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách. Năm học 2024 - 2025, tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, tiến tới đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

An Giang tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại kết luận của Bộ Chính trị và các chủ trương, định hướng phát triển GD&ĐT của Đảng, Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ. Từ đó, ban hành kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể triển khai tại địa phương. Tỉnh ưu tiên đầu tư cho GD&ĐT, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng; quan tâm phát triển trường dân tộc nội trú, giáo dục dân tộc...

Ngay trong hè, cùng với sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, ngành GD&ĐT tổ chức tập huấn cho giáo viên để đảm bảo nội dung chương trình. Nhiều trường ở vùng sâu, vùng khó khăn được nâng cấp, đầu tư thêm trang thiết bị dạy học…, nên giáo viên và học sinh rất phấn khởi. Sở GD&ĐT phối hợp Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Cửu Long tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm kịp thời triển khai sử dụng sách khoa các lớp cuối cấp đạt hiệu quả.

Chuẩn bị bước vào năm học mới và chào đón học sinh tựu trường, những ngày cuối tháng 8, các trường học đã huy động lực lượng quét dọn vệ sinh trường, lớp học sạch đẹp, gọn gàng. Trong thời gian tựu trường, giáo viên chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt đầu năm cho học sinh về: Quy định năm học mới, nội quy trường lớp, thời gian học tập; chuẩn bị sách, vở và đồ dùng học tập… tuyên truyền học sinh đến trường đảm bảo an toàn giao thông.

Ngành GD&ĐT củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, tập trung cao cho đổi mới giáo dục phổ thông các lớp cuối cấp, đặc biệt là công tác tuyển sinh lớp 10, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Đồng thời, chú trọng thanh, kiểm tra; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh, y tế trường học, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi vào năm 2030. Triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số (theo Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT, ngày 8/12/2023 của Bộ GD&ĐT).

Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới.

Thực hiện linh hoạt kế hoạch giáo dục của nhà trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, 9 và 12. Tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học; thay đổi cách học của học sinh theo hướng đa dạng hóa hình thức học tập; kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tăng cường kỹ năng thực hành, hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong dạy và học.

Hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn

Một hoạt động rất ý nghĩa trong hè là chăm lo cho học sinh yếu thế. Các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã vận động, đóng góp hàng chục ngàn phần quà trao tặng để học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường. Trong năm học này, ngành GD&ĐT phối hợp triển khai hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030, phối hợp tốt với Hội Khuyến học tỉnh triển khai mô hình xây dựng “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”, tiến đến xây dựng 2 thành phố học tập tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc. Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo các môn học; rà soát đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc, trên cơ sở quy mô số lớp của trường, xác định số lượng viên chức của các vị trí thừa, thiếu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu: “Ngành GD&ĐT triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt yêu cầu của nhiệm vụ GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải có lộ trình và giải pháp mang tính đột phá về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bổ sung, sắp xếp hợp lý, để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Tăng cường chuyển đổi số, tạo lan tỏa và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành GD&ĐT”...

Tất cả giáo viên, học sinh các cấp học trong tỉnh đang háo hức, tưng bừng đón chào năm học mới với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024 - 2025!

HỮU HUYNH