Châu Thành tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp

01/07/2022 - 02:16

 - Với thế mạnh nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) phát triển. Huyện đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đặc biệt chú trọng xây dựng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, thời gian qua, huyện tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường.

Bên cạnh sắp xếp, quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, huyện quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành Nguyễn Văn Minh thông tin: “Thời gian qua, xã luôn quan tâm hỗ trợ nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh; nhân rộng các mô hình mới, vận dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để làm ăn có hiệu quả, cải thiện kinh tế gia đình”.

Huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển hệ thống trạm bơm điện, đảm bảo việc tưới tiêu trong sản xuất. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chuyên môn sớm chuyển giao những công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện, kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, DN, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài tỉnh.

Huyện tích cực vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái, theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu gần 853ha (rau màu hơn 829ha, cây ăn trái trên 24,5ha), với các mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, như: Trồng nấm rơm, nấm bào ngư trong nhà; trồng chanh không hạt, trồng mận trong nhà lưới…

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương, năm 2019, ông Bùi Văn Cưởng (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) đã mạnh dạn chuyển đổi 0,6ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng và hạnh, đến nay đã tăng diện tích lên gần 7,5ha. Hiện nay, vườn sầu riêng của ông đã bắt đầu thu hoạch, mang lại lợi nhuận khá cho gia đình. Trong khi đó, việc trồng xen cây hạnh giúp tăng lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của địa phương, huyện sẽ tiếp tục cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành, ưu tiên đầu tư phát triển các loại sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; chuyển đổi diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái phù hợp với điều kiện địa phương.

Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích DN, nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp với chính quyền địa phương và các DN tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TRUNG HIẾU