Hôm nay, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch, giải pháp cho năm 2023. Trong các nội dung được thảo luận, có lẽ tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sẽ là mối quan tâm lớn của các vị đại biểu Quốc hội.
Điều này không khó hiểu, bởi tốc độ tăng năng suất lao động thấp là một điều rất đáng tiếc trong bức tranh sáng của tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Đây chính là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt của năm nay (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%) - một chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch. Điều này cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.
Thí sinh tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 (Ảnh: QT)
Cần nhắc lại, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2030 đã xác định nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao được coi là giải pháp đột phá góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hùng cường.
Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số, là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Dù vậy, trước yêu cầu ngày càng cao về lao động có kỹ năng nghề phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Điều này thể hiện rõ nét ở nhiều khía cạnh. Đó là việc có tới gần 74% lực lượng lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới…
Đáng chú ý, hai năm qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt kỹ năng lao động trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều ngành nghề, lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là nhóm lao động có kỹ năng làm việc thấp.
Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho thấy vai trò quyết định của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, chất lượng và hiệu quả cao đối với gia tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững. Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trình độ kỹ năng người lao động tác động tích cực đến năng suất lao động tại doanh nghiệp. Nếu tăng 1% các nhóm lao động: qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; có chứng chỉ sơ cấp nghề; bằng trung cấp, cao đẳng; bằng đại học trở lên; chứng chỉ khác thì năng suất lao động tăng lên tương ứng là: 0,04%; 0,16%; 0,19%; 0,22%; 0,13%. Cũng theo báo cáo, năng suất đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng GDP.
Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng đã nhận định, thế kỷ 21 được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng, vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là kỹ năng của lực lượng lao động, các doanh nghiệp luôn phải tìm mọi cách để có được nhân lực có kỹ năng nghề cao.
Điều đáng mừng, nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động đối với phát triển kỹ năng đã từng bước được cải thiện. Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, nhiều bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Đáng chú ý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực hoàn thiện Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực cùng đồng hành nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
Trong phạm vi của Đề án, các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề của người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ kỹ năng nghề, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội qua các bình diện.
Trong đó, người lao động sẽ được cải thiện, nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực nghề nghiệp theo vị trí việc làm, qua đó tìm việc làm, tự tạo việc làm, duy trì việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập và ổn định sinh kế.
Đối với doanh nghiệp, chất lượng kỹ năng nghề của người lao động được nâng cao sẽ là nhân tố gia tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng trưởng, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Năng suất lao động được nâng cao tạo cơ sở để doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Còn đối với nền kinh tế, khi trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động được nâng cao sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ. Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động một mặt đáp ứng nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế thâm dụng lao động, đồng thời bám sát yêu cầu các ngành kinh tế trọng điểm, ưu tiên, các ngành ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, từ đó giúp kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững. Mặt khác, chỉ số trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động Việt Nam được cải thiện sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài….
Rõ ràng, việc nâng tầm kỹ năng lao động một cách căn bản, toàn diện có sự đồng hành, gắn kết chặt chẽ của các bên liên quan gồm nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, xã hội và người lao động là yếu tố quan trọng tạo sức đề kháng cao, sức sáng tạo lớn của lực lượng xã hội, tạo cú huých tác động lớn góp phần tạo động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030./.
Theo Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam