Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, trưng bày 5 Bảo vật quốc gia. Trong đó, nổi bật là bức tượng thần Brahma. Tượng được làm từ đá sa thạch có niên đại thế kỷ VI - VII, được tìm thấy ở khu vực Giồng Xoài (khu di tích Óc Eo) vào năm 1983. Đây là tượng bán thân, tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn - Âu.
Ngoài tượng thần Brahma, tượng Phật bằng đá sa thạch hạt mịn, màu xám nhạt, được phát hiện tại xã Khánh Bình (huyện An Phú) là một trong những hiện vật độc đáo được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Hiện vật là một tác phẩm điêu khắc hoàn thiện, cân đối với đường nét mềm mại, hài hòa... cho thấy trình độ thẩm mỹ, kỹ thuật tạo hình rất cao, trình độ tay nghề rất điêu luyện, tinh tế...
Cùng với tượng Phật bằng đá sa thạch, Bảo tàng tỉnh còn trưng bày tượng Phật gỗ, có niên đại từ thế kỷ IV - VI, được phát hiện năm 1983, tại khu vực di tích Giồng Xoài. Tượng bằng gỗ sao, thớ mịn, chắc... được chế tác theo mẫu quy chuẩn của tượng Phật giáo Theravada (có nguồn gốc từ Ấn Độ). Tuy nhiên, chất liệu, đặc điểm khuôn mặt cùng các chi tiết thể hiện cho thấy, nó là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa vốn diễn ra rất mạnh mẽ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo, đặc biệt vào giai đoạn phát triển đỉnh cao của nền văn hóa này.
Ngoài các hiện vật trên, tại Bảo tàng tỉnh còn trưng bày bộ thờ Linga-yoni (bằng kim loại vàng, đồng thau) và bộ Linga-yoni Linh Sơn. Đây là những hiện vật đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình trong lịch sử Vương quốc Phù Nam, với những nét đặc trưng riêng...
Trong khi đó, 2 bảo vật còn lại hiện đang được trưng bày tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Những bảo vật này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký công nhận Bảo vật quốc gia đợt 10/2021. Hiện vật thứ nhất là Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (thế kỷ III - IV sau công nguyên), được khai quật di tích Linh Sơn Bắc năm 2019. Đây là bức Phù điêu chạm khắc nổi hình tượng Phật trên mặt phẳng một khối đá granit lớn.
Bức Phù điêu chỉ khắc họa hình tượng của Phật, còn các chi tiết khác được khắc họa một cách đơn giản với đặc điểm nổi bật là mắt khoét sâu to, rộng. Đức Phật được chạm khắc trong tư thế ngồi thiền, 2 bàn tay chắp trước ngực trong tư thế thủ Ấn vô úy (Abhaya-mudra). Phía bên dưới của bức tượng phật có khắc 3 chữ Sanskrit theo phong cách văn tự Brahmi của Nam Ấn Độ.
Hiện vật còn lại là chiếc nhẫn bò vàng Nandin. Đây là chiếc nhẫn vàng có hình bò thần được đúc nguyên khối, có niên đại từ thế kỷ V (sau công nguyên). Hiện vật được phát hiện trong đợt khai quật tại khu di tích Gò Giồng Cát năm 2018, hình tròn trơn. Mặt nhẫn là hình tượng bò thần Nandin (vật thiêng để cưỡi của thần Shiva), được đúc khối trong tư thế nằm xếp chân.
Đầu bò ngẩng lên cao, cặp sừng cong nhọn hướng lên trên, đôi tai mở rộng, 2 mắt to, yếm xếp thành nhiều nếp dưới cổ rất sinh động, khỏe mạnh... Đặc điểm hình dạng và cấu trúc tổng thể của nhẫn cho thấy, đây là hiện vật thuộc loại đẹp nhất trong các hiện vật vàng của Óc Eo.
Các Bảo vật quốc gia hiện đang được lưu trữ, trưng bày là những hiện vật quý-hiếm, là tư liệu lịch sử quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, tôn giáo; lịch sử trao đổi - quan hệ văn hóa cũng như nhận diện các đặc điểm văn hóa - xã hội - tín ngưỡng cư dân ở Óc Eo - Ba Thê nói riêng và ĐBSCL nói chung. Đây còn là những hiện vật quý để thế hệ sau hiểu rõ hơn về những giai đoạn phát triển rực rỡ của đất nước trong lịch sử dân tộc.
ĐỨC TOÀN