
Đông đảo du khách đến với Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần, văn hóa và cộng đồng của người dân Nam Bộ. Đây không chỉ là niềm tin tôn giáo, mà còn mang lại nhiều giá trị quan trọng. Đó là chỗ dựa tinh thần, cầu mong bình an của Nhân dân; là sự gắn kết cộng đồng, duy trì truyền thống. Việc thờ cúng Bà giúp kết nối mọi người trong cộng đồng, tạo nên sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Trong từng khâu chuẩn bị nhỏ nhất, tất cả “không hẹn mà gặp”, cùng tổ chức hoạt động tín ngưỡng nhất quán, bài bản, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa dân gian. Nhờ lòng tin và sự tôn kính dành cho Bà Chúa Xứ, Nhân dân đã không ngừng tôn tạo, giữ gìn miếu Bà qua hàng trăm năm.
Năm 2001, với sự lan tỏa tín ngưỡng về Chúa Xứ Thánh Mẫu và sự ảnh hưởng trong cộng đồng, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn là một trong những lễ hội tiêu biểu để tổ chức Lễ hội du lịch quốc gia. Đến năm 2014, lễ hội được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2022, hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - An Giang được Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét công nhận. Ngày 4/12/2024, lễ hội chính thức được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Sự kiện này chính là sự công nhận của cộng đồng quốc tế về những giá trị đặc sắc của lễ hội cả về lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật Đờn ca tài tử) được UNESCO ghi danh. Trên hết, đây là lễ hội truyền thống đầu tiên của ĐBSCL được đón nhận vinh dự này; góp phần khẳng định sự đa dạng, giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại. Đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang, đây là phần thưởng vô giá, khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; giúp cho cộng đồng sở hữu di sản nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của lễ hội trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Qua đó, nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm, hướng đến những biện pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định.

Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam giai đoạn 2025 - 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra 5 nội dung. Trong đó, có nội dung: “Hàng năm, tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam một cách trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, đúng nguyên tắc thực hành di sản, với sự tham gia đông đảo của Nhân dân, góp phần gắn kết các cộng đồng, cầu mong cho sự an lành và phồn vinh của đất nước”. Đây là cam kết, là trọng trách vinh dự nhưng không kém phần nặng nề, gửi gắm đến cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng sở hữu, thực hành di sản. Ngày 19/3/2025 (nhằm ngày 20/2 âm lịch), trong Lễ đón bằng UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh An Giang phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai hội Vía Bà năm 2025 - mùa lễ hội đầu tiên sau khi nâng tầm di sản.
Hiện nay, kế hoạch tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang được khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền. Dự kiến, phần lễ được tổ chức từ thời điểm khai hội đến ngày 24/5 (nhằm ngày 27/4 âm lịch). Hàng loạt nghi thức truyền thống được tổ chức trọng thể, gồm: May áo dâng Bà (15/4 âm lịch), Lễ phục hiện rước tượng Bà (ngày 22/4 âm lịch), Lễ tắm Bà (24 giờ đêm 23, rạng 24/4 âm lịch), Lễ thỉnh sắc thần (ngày 25/4 âm lịch), Lễ Túc yết, Xây chầu (24 giờ đêm 25, rạng 26/4 âm lịch); Lễ Chánh tế (24 giờ đêm 25, rạng 26/4 âm lịch), Lễ Hồi sắc (ngày 27/4 âm lịch)… Phần hội được tổ chức từ ngày 1/4 - 22/5 (nhằm ngày 4/3 - 25/4 âm lịch), gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi, ẩm thực…
“Sau khi được UNESCO ghi danh, việc tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm nay phải xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thành ủy Châu Đốc giao UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương tổ chức, quy mô thực hiện, theo hướng phân công TP. Châu Đốc chủ trì thực hiện các nội dung của lễ hội như thông lệ hàng năm. Sau khi có ý kiến quyết định của tỉnh, địa phương sẽ thực hiện theo. Tuy nhiên, các hoạt động xin ý kiến UBND tỉnh phải được đề xuất một cách thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa được ghi danh; phục vụ, giữ chân du khách khi đến với địa phương vào cao điểm lễ hội” - Bí thư Thành ủy Châu Đốc Lâm Quang Thi nhấn mạnh.
3 tháng đầu năm 2025, TP. Châu Đốc ghi nhận hơn 2,4 triệu lượt khách tham quan (đạt gần 49% kế hoạch năm), hơn 303.000 lượt khách lưu trú (vượt 103% so kế hoạch). Địa phương đề ra nhiều giải pháp, chuẩn bị đón lượt khách tăng cao vào mùa Vía Bà sắp tới. Trong đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, thương mại - dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm… |
GIA KHÁNH