Năm 1917, quận Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên; đến tháng 3/1948 thuộc tỉnh Long Châu Tiền, đến tháng 6/1951 thuộc tỉnh Long Châu Sa. Từ năm 1957-1975, quận Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang, duy trì đến năm 1975 kể cả khi An Giang tách thành tỉnh An Giang và Châu Đốc từ năm 1964. Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 2/1976, Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang với 12 xã, 1 thị trấn. Từ năm 2003 đến nay, huyện Chợ Mới có 16 xã, 2 thị trấn.
Chợ Mới là cái nôi cách mạng của tỉnh An Giang - nơi ra đời chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở An Giang. Trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Chợ Mới luôn là vùng điểm chỉ đạo của tỉnh trong các cao trào đấu tranh cách mạng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) quân dân Chợ Mới đã bền bỉ đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Giai đoạn 1954-1975 cùng nhân dân cả nước chống Mỹ xâm lược, nhân dân Chợ Mới đã góp phần làm thất bại mọi âm mưu của địch, lập nên những chiến công vào thắng lợi chung của dân tộc.
Nông nghiệp Chợ Mới phát triển vượt bậc
Sau giải phóng, Chợ Mới xác định nông nghiệp là lĩnh vực phát triển hàng đầu. Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, từ một huyện phải nhờ tỉnh cứu đói (năm 1975), Chợ Mới đã khắc phục những khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống nhân dân.
Huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chủ yếu là tăng vụ, thâm canh mở rộng diện tích lúa 2 vụ trồng các loại cây lương thực và hoa màu, được nhân dân hưởng ứng sôi nổi và thực hiện rất hiệu quả. Năm 1979, tổng sản lượng lương thực đạt 99.500 tấn (tăng hơn năm 1977 là 30.000 tấn và tăng gấp đôi năm 1975). Chợ Mới đã tự túc về lương thực, bình quân lương thực đầu người đạt 350kg/người/năm (sau giải phóng là 130 kg) và còn làm nghĩa vụ đối với nhà nước gần 20.000 tấn lúa.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới thực hiện chính sách đổi mới kinh tế, trước hết là nông nghiệp chia làm 3 vùng, tăng vòng quay đất... Nhờ đó, năm 1988 tổng sản lượng lương thực đạt 106.092 tấn. Đến năm 1990, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến theo hướng kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người 1,64 triệu đồng (so năm 1985 là 1,15 triệu đồng/người/năm).
Điều đáng tự hào trong giai đoạn này, Chợ Mới đã xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ để phát triển kinh tế. Đây là công trình mang lại nhiều ý nghĩa về kinh tế, tạo thuận lợi sản xuất nông nghiệp. Công trình giúp người dân sản xuất quanh năm, không phải nghỉ vào những tháng lũ như trước, từ đó đời sống nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc.
Sau 35 năm đổi mới, kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, chuyển đổi nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Năm 2021, sản lượng lúa Chợ Mới đạt hơn 232.500 tấn. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 326,58 triệu đồng/ha. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Chợ Mới có thế mạnh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với tổng giá trị sản xuất trong năm đạt hơn 9.667 tỷ đồng; 13/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 13 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống được công nhận, 5 cụm công nghiệp được quy hoạch; đã kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn tạo động lực cho điạ phương phát triển vượt bậc.
Lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Mới 92 năm hình thành và phát triển (1930-2022) nhận định, nhiệm vụ then chốt xuyên suốt mà Đảng bộ huyện tập trung thực hiện là xây dựng Đảng; thường xuyên chăm lo củng cố hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đến nay, Đảng bộ huyện Chợ Mới có trên 7.278 đảng viên với 60 chi, đảng bộ cơ sở. Đảng bộ huyện Chợ Mới từ khi thành lập đến nay đã trải qua 12 kỳ đại hội.
Mỗi kỳ đại hội là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhà; là mốc son đánh dấu quá trình phát triển và trưởng thành của Đảng bộ huyện Chợ Mới cả về tổ chức, bộ máy, nhận thức chính trị, đến vai trò lãnh đạo quá trình xây dựng, phát triển của huyện như hôm nay. Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân huyện Chợ Mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, nhà nước đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” và “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và Đảng bộ huyện.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Mới tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quê hương anh hùng, phát huy hiệu quả những thành tựu và kinh nghiệm đã có; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chợ Mới đã đề ra.
HẠNH CHÂU