Chợ Mới đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh

29/11/2021 - 07:08

 - Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, UBND huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến nông sản, giảm chi phí đầu vào, đáp ứng yêu cầu thị trường và đảm bảo kết nối tiêu thụ nông sản. Kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân duy trì phát triển sản xuất, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao, do ảnh hưởng dịch bệnh, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Phần lớn người sản xuất, DN chế biến nông sản gặp khó, thiếu hụt vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) do giá tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản giảm. Một số hợp đồng cung ứng đã được ký từ trước không thực hiện được; việc lưu thông, vận chuyển, thu hoạch, cung ứng hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng. Chi phí duy trì sản xuất phát sinh lớn, chi phí logistics tăng, nhiều DN khó khăn trong việc kéo dài thời gian chờ dịch bệnh COVID-19 ổn định. Thậm chí, một bộ phận người dân, DN phải dừng SXKD do không đủ nguồn lực để chi trả lương công nhân, các khoản vay đến hạn, tái đầu tư; việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi mới gặp nhiều khó khăn. Việc vận chuyển hàng hóa nông sản, vật tư, thu mua ra vào khu vực sản xuất, vùng nuôi, cơ sở giết mổ gặp khó khăn trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Kể cả các DN, cơ sở sản xuất, chế biến gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí lớn khi áp dụng phương án “3 tại chỗ”; nhiều DN không thể bố trí đủ cơ sở vật chất để thực hiện SXKD theo phương thức này. Cộng thêm chi phí vận chuyển hàng hóa, vật tư đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao... Trước tình hình đó, việc đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn là hết sức cần thiết. 5 giải pháp chính được huyện Chợ Mới quan tâm thực hiện, trước nhất là quản lý tổ chức sản xuất gắn tiêu thụ nông sản. Bởi đây là mấu chốt để giải quyết bài toán đầu ra.

Ông Vũ Minh Thao cho biết, huyện Chợ Mới sẽ củng cố, kiện toàn Tổ phản ứng nhanh cấp xã, huyện và triển khai kế hoạch hoạt động. Rà soát vùng sản xuất, diện tích, sản lượng, thời điểm thu hoạch, dự báo nguồn cung lương thực trên địa bàn huyện để định hướng sản xuất, tổ chức mạng lưới hỗ trợ nông dân lưu thông và tiêu thụ sản phẩm thích ứng với tình hình mới, vừa phát triển sản xuất, vừa phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh để đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022 đáp ứng 4 yếu tố: Sản xuất theo chuỗi ngành hàng trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng theo yêu cầu thị trường; đảm bảo kết nối tiêu thụ. Nâng chất hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác tại những nơi có nhu cầu để các DN tham gia liên kết trong thời gian tới. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện, hỗ trợ các thương lái, DN kết nối thu mua nông sản và xúc tiến tiêu thụ nông sản tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, mời gọi, hỗ trợ các DN xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản của huyện, phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Đối với các địa phương đang xảy ra dịch bệnh, huyện có giải pháp đảm bảo sản xuất an toàn dịch bệnh; nhất là sản phẩm rau quả tươi đã đến thời điểm thu hoạch, cần khoanh vùng sản xuất, có biện pháp sản xuất an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tích cực vận động, hỗ trợ địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch hàng năm, xây dựng và triển khai kế hoạch cấp mã số vùng trồng đối với các nông sản chủ lực của huyện. Khuyến khích sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết với DN, để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm, như: Hỗ trợ Hợp tác xã GAP cù lao Giêng liên kết với Công ty Vạn Vạn Lợi; Hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn và Hợp tác xã tiêu thụ nông sản Kiến An liên kết với Tổ 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giới thiệu các hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng vùng liên kết với Tập đoàn Lộc Trời...

Huyện Chợ Mới cũng tập trung duy trì phát triển chăn nuôi an toàn sinh học. Vận động phát triển vùng nuôi có liên kết, nuôi theo chuẩn an toàn VietGAP, ASC, phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với liên kết tiêu thụ. Để tháo gỡ lưu thông hàng hóa, huyện tạo điều kiện thuận lợi việc đi lại giữa các địa phương cho DN, người thu mua, vận chuyển lưu thông nông sản và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Huyện Chợ Mới tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối với dn tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường tiềm năng, củng cố các thị trường truyền thống. Triển khai các giải pháp, đảm bảo vốn tín dụng hỗ trợ cho các dn, hợp tác xã vay vốn phục vụ thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU