Chống biến đổi khí hậu đặt trong bối cảnh toàn vùng ĐBSCL

15/12/2020 - 05:18

 - Thời gian qua, An Giang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), như: nhiệt độ tăng và hạn hán gay gắt, kéo dài vào mùa khô; mưa to, kéo dài vào mùa mưa; sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng… Các tác động này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khiến việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn.

10 năm trở lại đây, thiệt hại do BĐKH ở An Giang luôn ở mức cao, chủ yếu do mưa, giông, lốc, sét và lũ. Năm 2011, thiệt hại ước tính 981 tỷ đồng; năm 2017 là 402 tỷ đồng; năm 2018 là 198 tỷ đồng; năm 2019 là 91 tỷ đồng; năm 2020 là 247 tỷ đồng.

Thời gian tới, tác động từ phát triển thượng lưu sông Mekong, BĐKH và nước biển dâng tác động rất lớn đến ĐBSCL, như: lũ giảm dần, khô hạn và xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn; sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng phức tạp, gia tăng về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với các mặt hàng chủ lực (lúa gạo, cá tra, rau màu và cây ăn trái).

Để ứng phó với các tác động của BĐKH, An Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với BĐKH, thiên tai cho người dân (đặc biệt là người ở khu vực có nguy cơ cao); thường xuyên tổ chức đo đạc, dự báo, cảnh báo thiên tai; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các mô hình sinh kế thích ứng BĐKH, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tập trung đầu tư công trình ứng phó BĐKH (các hồ chứa đa mục tiêu ở vùng núi phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy chữa cháy rừng; hệ thống kè chống sạt lở bảo vệ các đô thị, hạ tầng thiết yếu, dân cư phòng tránh thiên tai).

Bên cạnh đó, An Giang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc triển khai các chương trình, dự án như: dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT); tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú; Tiểu dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL; Chương trình nâng cao năng lực công ty cấp nước giữa Hiệp hội nước Úc (AWA) và Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NCERWASS).

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ kỹ thuật từ quỹ ủy thác của Úc thông qua Ngân hàng Thế giới (ABP2), vùng ĐBSCL (trong đó có An Giang) đã nhận được sự hỗ trợ về mặt thể chế chính sách nhằm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Việc thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL (do Phó Thủ tướng là Chủ tịch; Chủ tịch UBND các tỉnh là thành viên của Ban Chỉ đạo) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy liên kết, điều phối vùng và tiểu vùng tốt hơn trong thời gian tới. Một số nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình ABP2, ví dụ như về các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, đánh giá sự phù hợp của đất và lựa chọn mô hình sinh kế bền vững, thích ứng với BĐKH… sẽ hỗ trợ tỉnh rất lớn trong việc lựa chọn và đầu tư các dự án trong tương lai.

Đầu tháng 12, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam và Đại sứ Úc tại Việt Nam đã đến khảo sát, làm việc tại An Giang. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin những thuận lợi, khó khăn hiện hữu của tỉnh An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung: “Trước các khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, An Giang kiến nghị đoàn công tác 3 vấn đề. Thứ nhất, quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Đây là dự án liên kết vùng, phục vụ đa mục tiêu (phòng tránh thiên tai gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cho An Giang, Kiên Giang). Thứ hai, ưu tiên nguồn lực cho việc đầu tư các cụm dân cư di dời khẩn cấp hộ dân vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Thứ ba, hỗ trợ xây dựng các điểm cấp nước tập trung cho khu vực vùng cao Tri Tôn, Tịnh Biên, nơi tập trung 40% đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (tương đương 90.000 người)”.

Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi sâu về những dự án WB và Chính phủ Úc đã, đang và sẽ thực hiện tại Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL và An Giang nói riêng; câu chuyện quy hoạch vùng và giải pháp chung cho cả vùng ĐBSCL. Đoàn công tác ghi nhận các ý kiến đề xuất của tỉnh An Giang, sẽ tiếp tục khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố lân cận để có hướng hỗ trợ phù hợp và kịp thời nhất.

Bà Robyn Mudie (Đại sứ Úc tại Việt Nam) thông tin: “Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ Úc đã hỗ trợ ĐBSCL 650 triệu USD, bằng các dự án ảnh hưởng đến toàn khu vực, điển hình như cầu Cao Lãnh. Chính phủ sẽ rất vinh dự khi đồng hành cùng WB và Việt Nam hỗ trợ ĐBSCL chống BĐKH, phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần củng cố, thúc đẩy mối quan hệ giữa các bên thông qua các dự án, hoạt động”.

Bà Carolyn Turk (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới) bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng khi đi đến thực tế địa bàn vùng dự án VnSAT, được nông dân nhiệt tình chia sẻ những thay đổi sau khi họ thực hiện “1 phải, 5 giảm” trong canh tác lúa gạo ở An Giang. Đồng thời, đoàn đã trực tiếp khảo sát các điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng, nhìn thấy sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên tác động đến người dân vùng ĐBSCL; ghi nhận những vấn đề chung các tỉnh đang đối mặt, nhu cầu cụ thể của từng tỉnh. Chúng ta cần ưu tiên giải quyết những vấn đề có thể áp dụng chung cho cả vùng, chứ không chỉ giải quyết trong ranh giới một tỉnh. Vì vậy, những hỗ trợ của WB trong tương lai nằm trong khuôn khổ hỗ trợ chung cho toàn vùng, liên quan đến các giải pháp trong quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL”.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH