Ngày 10/4, Tổng thống Donald Trump đưa ra thông báo về việc tạm hoãn áp thuế đối ứng đối với hơn 75 quốc gia.
Động thái của Hoa Kỳ cũng được đánh giá không chỉ đơn thuần là một biện pháp kinh tế mà còn là chiến lược ngoại giao nhằm giảm bớt áp lực thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán với các đối tác chiến lược.
Theo đó, các bên có thêm thời gian để điều chỉnh chiến lược, đồng thời các biện pháp ổn định thị trường - từ chính sách tiền tệ đến quản lý ngoại hối - cũng trở nên khả thi hơn.
Vàng tiếp tục tăng giá
Vàng luôn được các nhà đầu tư xem là “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu bất ổn. Những ngày qua, giá vàng tăng liên tục. Ngày 15/4, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 3.220 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC thiết lập mức kỷ lục mới 108 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn giao dịch quanh mức 105 triệu đồng/lượng tùy từng thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa tài chính ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi, vàng là chỉ báo tâm lý quan trọng cho nhà đầu tư trước những biến động lớn về thương mại, lãi suất và chính sách điều hành vĩ mô toàn cầu.
Việc tăng thuế mạnh với Trung Quốc và giãn thuế với một số nước thân thiện của Mỹ đang khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động theo hướng “phòng thủ”.
Trong bối cảnh rủi ro thương mại và bất ổn địa chính trị gia tăng, vàng tiếp tục phát huy vai trò là tài sản trú ẩn an toàn. Trên thế giới, giá vàng đang có xu hướng tăng, do lo ngại về xung đột thương mại kéo dài, tác động đến tăng trưởng toàn cầu, dòng vốn đầu tư đổ vào các tài sản an toàn.
Đồng USD mạnh lên trong ngắn hạn vì dòng tiền tìm đến Mỹ, nhưng sự bất ổn từ chính sách thương mại khiến nhà đầu tư không chắc chắn với chứng khoán, đẩy nhu cầu vàng lên cao.
“Tại Việt Nam, giá vàng trong nước tiếp tục neo cao, chênh lệch với giá thế giới có thể mở rộng nếu tình hình thế giới xấu đi hoặc có làn sóng mua tích trữ từ nhà đầu tư trong nước. Nếu dòng vốn FDI tăng mạnh, nguồn cung USD dồi dào có thể giúp ổn định tỷ giá, gián tiếp kiềm chế giá vàng. Nhưng nếu lạm phát toàn cầu leo thang hoặc USD quá mạnh, giá vàng có thể còn tăng thêm”, ông Nguyễn Quang Huy cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, trong bối cảnh thị trường vàng luôn chịu tác động của cả yếu tố thế giới và trong nước, nhu cầu tích trữ của người dân và doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng từ chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nếu đàm phán với Mỹ thành công, dòng tiền ngoại tệ từ xuất khẩu được duy trì, giảm áp lực lên tỷ giá, qua đó sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa kiểm soát thị trường vàng trong nước.
Khéo "cân đong" giữa tỷ giá và lãi suất
Tỷ giá đồng/USD có thể nói luôn là chỉ số nhạy cảm, phản ánh trực tiếp tác động của các chính sách thương mại quốc tế. Trước khi Mỹ thông báo hoãn áp thuế, thị trường đã ghi nhận mức tăng đột biến khoảng 0,6% ngay ngày đầu tiên sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump do lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp tăng thuế lên kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.
Theo dự báo ban đầu của các chuyên gia, nếu áp thuế được áp dụng như dự kiến (46%), tỷ giá có thể tăng từ 3-5% trong thời gian ngắn.
Song quyết định hoãn thuế đã tạo ra một “làn gió mát” cho thị trường ngoại hối. Cụ thể, vào phiên giao dịch sáng ngày 10/4, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại ghi nhận mức giảm mạnh lên tới 182 đồng, giúp giao dịch chốt ở mức 26.000 đồng/USD. Ngày 15/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại mức 24.891 đồng/USD. Giá mua-bán USD tại tất cả các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh mức 25.580-26.106 đồng/USD (mua-bán).
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc tỷ giá đồng/USD giảm có thể là dấu hiệu cho thấy sự ổn định tạm thời của nền kinh tế Việt Nam.
Sau quyết định hoãn thuế, thị trường tài chính quốc tế phản ứng tích cực, điều này đã làm giảm sự lo lắng của các nhà đầu tư về tình hình thương mại toàn cầu. Khi căng thẳng thương mại tạm thời lắng xuống, nhu cầu dự trữ USD tại Việt Nam giảm, khiến tỷ giá giảm nhẹ.
Mặt khác, các số liệu kinh tế trong nước cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng ổn định, điều này góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Trong khi đó, cập nhật dự báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn thuế 90 ngày đối với một số quốc gia và tác động tới Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã có báo cáo phân tích cho rằng các yếu tố ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, lãi suất) vẫn sẽ được bảo đảm. Áp lực và lo ngại đã được phản ánh vào tỷ giá; theo đó, thị trường ngoại hối sẽ có diễn biến thuận lợi hơn.
Theo VCBS, Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận thận trọng và cân nhắc dài hạn, Chính phủ ưu tiên giải pháp thương lượng thay vì đối đầu trực tiếp, nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương và nền kinh tế trong nước.
Vì vậy, Việt Nam sẽ có thêm thời gian để thương lượng, và với thế mạnh ngoại giao linh hoạt đã được chứng minh qua thời gian, diễn biến đàm phán xa hơn có thể chuyển biến tích cực hơn nữa.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của VCBS cũng lưu ý, mặc dù hoãn thuế, nhưng vẫn sẽ áp dụng mức 10%, nên nhóm xuất khẩu ít nhiều vẫn bị tác động xấu so với trước kia.
Song nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Mỹ vẫn đang được quan sát, do đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các quốc gia ổn định về chính trị vẫn là xu hướng chính.
Trong 90 ngày tới, VCBS cho rằng, Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt từ quốc gia chịu mức áp thuế cao hơn so với Việt Nam. Thậm chí, xa hơn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được nâng lên cùng các động thái liên tục trả đũa, và Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Từ đó, VCBS duy trì quan điểm chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng bảo đảm các yếu tố ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, từ đó có những biện pháp điều hành chính xác, bảo đảm ổn định tỷ giá trong bối cảnh thế giới luôn biến động.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hòa giữa tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Như vậy, quyết định tạm hoãn thuế đã mở ra không chỉ cơ hội cho việc ổn định tỷ giá mà còn tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể linh hoạt hơn trong việc điều hành lãi suất.
Giới chuyên gia cho rằng, trong những ngày tới, khi áp lực từ chính sách thuế giảm bớt, Ngân hàng Nhà nước sẽ có “dư địa” để cân nhắc chính sách giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các ngành kinh tế trọng điểm như thủy sản, dệt may và da giày - những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biện pháp thuế quan này.
Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2025 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB phát hành mới đây cũng nhận định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng các yếu tố từ bên ngoài không thuận lợi có thể tác động lên tỷ giá đồng/USD.
Kịch bản cơ sở của UOB đưa ra ở thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,5%. Nhưng xu hướng rủi ro đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất do áp lực suy giảm từ hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, trong bối cảnh có những khó khăn từ bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
“Nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi rõ rệt trong 1-2 quý tới, chúng tôi nhận thấy khả năng Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất chính sách về mức thấp trong thời kỳ Covid-19 là 4%, sau đó tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản về mức 3,5%”, các chuyên gia của UOB dự báo.
Dự báo này được đánh giá trong điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng.