Chủ động phòng bệnh bạch hầu

28/07/2024 - 12:54

 - Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch. Ở nước ta, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ hoàn toàn dù đã có vaccine phòng ngừa bệnh bạch hầu. Do đó, việc phòng bệnh là rất quan trọng.

Trẻ em cần tiêm vaccine đủ liều để phòng bệnh bạch hầu

“Qua tìm hiểu thông tin trên báo đài, các cơ sở y tế, tôi được biết, bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vaccine đủ liều, đúng lịch, đồng thời đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau” - chị Phương Thảo (36 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho hay.

Theo ghi nhận, tình hình mắc và tử vong do bệnh bạch hầu gần đây có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc ở các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Bệnh bạch hầu có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi, nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể dưới mức bảo vệ.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu hiệu quả trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý và điều trị kịp thời không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân; tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc chưa tiêm đầy đủ, để tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh bạch hầu, nhằm đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn; chủ động xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu. Đồng thời, tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tại địa phương để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh bạch hầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tổ chức theo dõi sức khỏe của học sinh, thông báo ngay cho cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu cho học sinh lớp 2.

Cùng với đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương theo quy định.

 “Biết đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tôi luôn chủ động nắm bắt tin tức về tình hình bệnh và phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh cá nhân cho con thật tốt. Tôi nghĩ, các trường mầm non cần chủ động đẩy mạnh truyền thông về bệnh bạch hầu cũng như cách phòng dịch cho phụ huynh và trẻ em. Mặt khác, có thể tổ chức tập huấn, hướng dẫn nội bộ cho giáo viên nhận biết dấu hiệu về bệnh, chủ động xử lý tình huống ngay tại lớp học” - chị Minh Phụng (ngụ huyện Chợ Mới) chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên Nguyễn Văn Sử, bệnh bạch hầu có các triệu chứng, như: Viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản, cổ họng đỏ, nuốt đau, da xanh xao, mệt mỏi, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ và khi thăm khám thấy có giả mạc. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh chóng. Đối tượng dễ mắc bệnh là những người cơ thể chưa có miễn dịch hoặc có miễn dịch nhưng dưới ngưỡng bảo vệ, hoặc những người suy giảm miễn dịch. Ngoài chủ động tiêm ngừa bạch hầu, cần tăng cường rèn luyện sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bên cạnh, người dân cần kết hợp các biện pháp phòng ngừa như thường xuyên rửa tay, che mặt khi ho, vệ sinh sạch sẽ không gian sống, khu vực sinh hoạt, ăn chín uống sôi… nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn nguy cơ mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.

PHƯƠNG LAN