Chủ động thích ứng COVID-19

30/11/2021 - 07:39

 - Cùng với tăng cường phủ vaccine, việc đẩy mạnh triển khai cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà phát đang huy hiệu quả. Số ca nhiễm giảm trong khi số trường hợp khỏi bệnh tăng lên; dịch chuyển từ cấp độ 3 (vùng cam) sang cấp độ 2 (vùng vàng)… cho thấy, An Giang đang từng bước thích ứng linh hoạt với COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang (thứ 4, từ trái sang) tặng quà cho Phòng khám khu vực Tịnh Biên - nơi thực hiện nhiệm vụ điều trị tuyến 2 của huyện Tịnh Biên

Hiệu quả điều trị tại nhà

Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền cho biết, trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 1.952 trường hợp mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày hơn 280 ca nhiễm, giảm mạnh so tuần trước (trung bình 540 trường hợp/ngày). Nếu như có thời điểm, số ca nhiễm đang điều trị lên 7.300 ca, gây quá tải hệ thống y tế thì hiện nay, số trường hợp đang điều trị còn dưới 5.500 ca, cho thấy hiệu quả điều trị ở tầng 1, nhất là việc cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.

Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, việc đẩy mạnh triển khai điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng là bước chuyển rất đúng đắn. “Khi triển khai điều trị tại nhà, số ca chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt. Do hạn chế đưa F0 về điều trị tập trung, tầng 2 có điều kiện ưu tiên cho bệnh nhân có biểu hiện nặng. Chợ Mới triển khai điều trị tại nhà là chủ yếu. Người điều trị có sức khỏe tốt, mỗi ngày khỏi bệnh cả trăm trường hợp. Xã Long Điền A có đến 83 ca khỏi bệnh chỉ trong 1 ngày” - Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Hồng Đức thông tin.

Còn theo Bí thư Huyện ủy Châu Thành Lê Phước Dũng, trong số hơn 1.000 F0 không triệu chứng điều trị tại nhà, chỉ có 53 trường hợp xuất hiện triệu chứng nhẹ, được hỗ trợ xử trí kịp thời, còn lại sức khỏe đều ổn định. Nhờ đẩy mạnh triển khai điều trị tại nhà, huyện đã giải phóng được khu cách ly tập trung ở xã Cần Đăng; có điều kiện tập trung cho công tác truy vết, tầm soát, phong tỏa hẹp, kiểm soát dịch bệnh. Còn theo lãnh đạo huyện An Phú, tất cả 982 trường hợp F0 điều trị tại nhà đều được quản lý chặt chẽ, hỗ trợ chu đáo, không có trường hợp nào chuyển nặng hoặc tử vong. Tại huyện Tri Tôn, trong số hơn 400 F0 điều trị tại nhà, chỉ có 1 trường hợp có triệu chứng nhẹ, được đưa lên Trung tâm Y tế huyện điều trị, còn lại sức khỏe đều tốt. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều, việc triển khai điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố đang phát huy hiệu quả rất tốt, đa số trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính sau 8-10 ngày điều trị…

Điều trị F0 không triệu chứng tại nhà cho thấy hiệu quả tốt

Vaccine phát huy hiệu lực

Một thông tin khiến nhiều người chưa yên tâm là thời gian gần đây, số ca tử vong ghi nhận hơn 10 ca/ngày, cao hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở An Giang vẫn thấp hơn bình quân cả nước và thế giới (tính đến ngày 28-11, An Giang có 368 ca tử vong/22.989 ca nhiễm, chiếm 1,6%). Đa phần các ca tử vong đều rơi vào những trường hợp lớn tuổi, mắc bệnh nền nặng, bệnh hiểm nghèo. Trong số những trường hợp tử vong, số chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 chiếm đến 90,59%, số tiêm mũi 1 chiếm 5,88%, còn số tiêm đủ 2 mũi chỉ chiếm 3,53%. Điều này cho thấy, vaccine có tác dụng hiệu quả trong việc giảm nhiễm, giảm lây, giảm chuyển nặng và đặc biệt là giảm tử vong. “Các số liệu phân tích cho thấy, tỷ lệ tử vong đối với người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 là 478,77 người/100.000 dân, trong khi người tiêm mũi 1 là 1,38/100.000 dân, còn tiêm đủ 2 mũi là 1,01/100.000 dân. Như vậy, với người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ nhiễm COVID-19 giảm 10 lần, còn tỷ lệ tử vong giảm đến 400 lần so với người chưa tiêm”- Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương đánh giá.

Theo ông Phương, để phát huy hiệu quả điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, cần nâng cao vai trò hệ thống y tế cơ sở. “Một số người dân phản ánh, khi họ tự test nhanh phát hiện dương tính, gọi điện thoại cho địa phương nhờ hỗ trợ nhưng không gọi được; có những trường hợp bệnh nhân điều trị tại nhà cần hỗ trợ nhưng cũng không gọi được. Các xã, phường, thị trấn cần có tổ ghi nhận thông tin, cung cấp cho người dân số điện thoại đường dây nóng, cử người ứng trực để hỗ trợ kịp thời” - ông Phương lưu ý. Để giảm áp lực điều trị cho tầng 3 (điều trị bệnh nhân nặng), ông Phương đề nghị cần nâng cao năng lực điều trị ở tầng 2 (tuyến huyện). “Tầng 2 phải có bác sĩ điều trị cấp cứu để xử lý kịp thời bệnh nhân chuyển nặng. Những bệnh viện tầng 3, như: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc) đều có thể đào tạo, nâng cao năng lực cho tuyến huyện” - ông Phương đề xuất.

Việc triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà sẽ giúp giải phóng các khu cách ly tập trung, trả lại trường học, chuẩn bị cho học sinh đến trường

Trong phòng ngừa COVID-19, đẩy mạnh vaccine, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và các biện pháp tự bảo vệ vẫn là chủ yếu. Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền cho biết, nhằm phủ nhanh vaccine toàn dân, Sở Y tế triển khai phân bổ hơn 70.000 liều vaccine Pfizer, ưu tiên tiêm mũi 1 cho người chưa tiêm. “Với người mắc bệnh nền, lớn tuổi, điều kiện đi lại khó khăn, sẽ được nhân viên y tế đến tận nhà tiêm vaccine” - ông Hiền nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp triển khai phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà bằng công nghệ thông tin, giúp kết nối bác sĩ với bệnh nhân để tăng cường tương tác trực tuyến, nâng hiệu quả điều trị…

Nhằm giúp bệnh nhân sớm tiếp cận với thuốc Molnupiravir (thuốc kháng virus dạng uống), tăng hiệu quả điều trị trong 5 ngày đầu, Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết, khi bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 là được dùng thuốc Molnupiravir. Nếu kết quả PCR sau đó khẳng định dương tính, người bệnh tiếp tục liệu trình điều trị thuốc này; nếu kết quả âm tính thì trả thuốc lại, ưu tiên cho bệnh nhân khác.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN