Gắn bó, tâm huyết, yêu nghề
Đường Đoàn Văn Phối (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) từ lâu đã nổi danh với tên gọi “phố cắt khóa”, “phố mở khóa”. Tại đây, có khoảng 10 gian hàng sửa khóa san sát nhau, với những người thợ lành nghề. Ngay góc đường, ngay gian hàng đầu tiên, chúng tôi được trò chuyện với anh Lê Thanh Hải (52 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) với 32 năm gắn bó với nghề thợ khóa. Anh Hải tâm sự: “Trước đây, tôi làm thợ sơn, thu nhập không ổn định. Được người chú làm nghề thợ sửa khóa “truyền nghề”, cộng thêm sự mày mò, thích thú, yêu nghề nên sau 1 tuần học nghề, tôi đã mở được ổ khóa đầu tiên”.
Trước đây, đồ nghề của thợ khóa khá đơn giản với chiếc máy ê-tô và cái cưa sắt nhỏ, mọi công đoạn đều được làm thủ công, như: Cưa chìa, soi chìa, sửa, tra chìa... Những công đoạn này còn phải chỉnh sửa, thao tác rất nhiều lần và thật khéo léo mới có thể ra thành phẩm là 1 chiếc chìa mở êm, nhạy. Nhưng hiện nay, đồ nghề của thợ sửa khóa chuyên nghiệp, hiện đại hơn với các loại máy, như: Máy cắt chìa khóa tự động, máy phay nghiêng, máy khoan rãnh khóa... khiến cho việc đánh các loại chìa chỉ mất từ 1 - 3 phút là có thể hoàn thành 1 chiếc chìa khóa.
Vừa trò chuyện, vừa “khám phá” chiếc ổ khóa bị lỗi của khách mang lại sửa, anh Hải thoăn thoắt, vặn vặn, chốc chốc kê sát vào tai để nghe tiếng kêu bên trong ổ khóa. “Tạch” - chiếc ổ khóa đã mở được. Anh Hải quay sang mỉm cười và nói: “Tôi không nhớ nổi từ trước đến nay đã mở thành công bao nhiêu loại khóa. Dù trên 30 năm trong nghề nhưng tôi thường xuyên nghiên cứu nguyên lý hoạt động của các ổ khóa, vì ngày càng ra đời nhiều loại khóa mới với công nghệ hiện đại. Tôi mua về rất nhiều ổ khóa, sau đó tháo ra nghiên cứu, vì các loại khóa đều có nguyên lý cơ bản khác nhau, muốn mở được một loại khóa đòi hỏi người thợ phải nhớ cấu tạo để lần sau mở các loại khác cùng dạng, cùng dòng sản xuất, nhãn hiệu không bị lúng túng”.
“Gắn bó với nghề vì yêu và tâm huyết. Nhưng đối với nghề thợ khóa dù giỏi đến đâu thì chúng tôi cũng chỉ là người thợ vô danh, chẳng ai nhớ đến mình trừ khi những lúc bị mất chìa, hư khóa. Chúng tôi chẳng cần phô trương danh tiếng, chỉ cần mình giỏi nghề, chắc chắn sẽ có “khách quen”, họ chỉ nhau, nhờ đó mình có thêm nhiều khách hàng.
Thu nhập của thợ khóa cũng thất thường. Trước dịch COVID-19 thu nhập khá nhưng hiện nay chỉ bằng ½ nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Giá làm chìa khóa phụ thuộc vào nhãn hiệu, tính năng của các loại khóa. Nếu ngồi tại chỗ, thông thường, thợ khóa chỉ kiếm được tầm 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Trường hợp khách gọi đến tận nơi, bất kể giờ giấc (giữa đêm, ngày lễ, Tết) tuy vất vả nhưng được khách hàng trả tiền công hậu hĩnh” - anh Hải bộc bạch.
Giữ trọn tâm trong sạch
Làm nghề thợ khóa giữa thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, nếu không tỉnh táo, rất dễ tiếp tay cho kẻ gian. Gần 10 năm trong nghề, bạn Nguyễn Văn S. (29 tuổi, thợ sửa khóa ở chợ Mỹ Quý) không ít lần gặp tình huống khó xử. Nguyễn Văn S. kể: “Có lần, 1 thanh niên dẫn chiếc xe gắn máy đến bảo làm mất chìa khóa, nhờ tôi làm chìa khóa mới. Qua quan sát, tôi thấy thanh niên này nhìn xung quanh, mất bình tĩnh, nghi ngờ là xe lấy trộm, tôi tìm cách giữ chân kẻ gian, điện thoại báo công an”.
Người ta thường nói, ranh giới giữa thiện - ác, trung thực - gian dối của người thợ khóa rất mong manh bởi họ có “đồ nghề” trong tay. Vì vậy, với nghề thợ khóa, ai có lòng tham rất dễ sa ngã. Sự thật đôi khi cũng trớ trêu khi chẳng may khách hàng bị mất trộm sau vài ngày thợ sửa đến mở khóa.
“Nhớ Tết năm trước, chị gần nhà có đến kêu tôi sửa ổ khóa cửa trên lầu vào chiều 29 Tết. Thế nhưng, đến mùng 2 Tết, nhà chị bị trộm “viếng thăm” khi gia đình về quê. Lúc ấy, những ánh mắt ngờ vực của hàng xóm khiến tôi cảm thấy chạnh lòng. Đến khi công an tìm ra thủ phạm thì tôi mới được giải oan” - Nguyễn Văn S. cho biết.
“Muốn trở thành một thợ khóa, không chỉ cần đến tài năng mà còn cần đến cái tâm trong sạch. Nhưng chỉ với cái tâm, cái đức thôi chưa đủ, người thợ khóa cần phải biết nhìn người. Những người thợ khóa lâu năm, nhiều kinh nghiệm chỉ cần nhìn là biết đâu là người ngay, đâu là kẻ gian. Người thợ khóa phải luôn đề cao cảnh giác và có nhận biết riêng để tránh rơi vào trường hợp tiếp tay cho kẻ xấu. Dân trong nghề sẽ kiên quyết từ chối những khách hàng yêu cầu cắt chìa khóa được vẽ trên giấy hoặc in làm dấu trên cục xà bông, vì chỉ có kẻ gian mới dùng đến hình thức này.
Người thợ khóa luôn dè chừng những vị khách nhờ đến tận nhà để mở khóa tủ sắt, tủ nữ trang… khi không có người trong nhà. Có không ít trường hợp những thợ khóa vì tin khách hàng mà đến tận nhà giúp, cuối cùng bị quy là đồng phạm. Nếu không muốn rắc rối, người trong nghề sẽ không nhận lời mở, sửa khóa cho những trường hợp này. Điều đó khiến những người thợ khóa tự nhắc nhở bản thân luôn giữ “tâm” trong sáng, uy tín để khách hàng đặt trọn niềm tin và cũng là cách để họ giữ lời hứa với nghề” - anh Lê Thanh Hải chia sẻ.
MINH THƯ