Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28, hoạt động quan trọng nhất của tuần lễ cấp cao APEC, và một số hoạt động khác của tuần lễ, từ ngày 11 đến 12-11 theo hình thức trực tuyến.
Với chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID-19 và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, Hội nghị cấp cao APEC 28 tập trung thảo luận 2 nội dung chính, đó là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch.
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tiến trình hợp tác APEC vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Với chủ đề “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng”, từ đầu năm tới nay APEC có gần 200 cuộc họp ở tất cả các cấp, trong đó tập trung chủ yếu vào ứng phó với COVID-19, phục hồi kinh tế, môi trường thương mại và đầu tư, phát triển bền vững và bao trùm, nâng cao hiệu quả của diễn đàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại hội nghị không chính thức tháng 7/2021 - Ảnh: APEC 2021
Về ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế, lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo APEC đã có cuộc họp khẩn không chính thức vào tháng 7 vừa qua, kịp thời đề ra các biện pháp hợp tác để vượt qua COVID-19, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, trong đó đề xuất các biện pháp như chia sẻ vắc xin, chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa và dịch vụ, chuỗi cung ứng vận hành thông suốt… Bên cạnh đó, APEC đã triển khai nhiều sáng kiến, dự án như thành lập Quỹ hỗ trợ các thành viên triển khai sáng kiến ứng phó COVID-19 và phục hồi kinh tế…
Về môi trường thương mại và đầu tư, APEC tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của diễn đàn trong việc đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; đẩy mạnh kết nối, liên kết kinh tế khu vực, duy trì chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy các nội hàm hợp tác mới về kinh tế số, chuyển đổi số…
Về phát triển bền vững và bao trùm, đáng chú ý là năm nay APEC hết sức chú trọng các nỗ lực phát huy vai trò của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, các nhóm yếu thế trong quá trình phục hồi kinh tế; và đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh Hội nghị Cop 26 đã diễn ra, đặt ra nhiều cảnh báo nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Về hoạt động của APEC, đáng chú ý nhất là các thành viên APEC tích cực trao đổi, thảo luận nhiều biện pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Tầm nhìn APEC đến năm 2040 đã được các nhà Lãnh đạo thông qua vào năm ngoái, nhằm định hướng cho hợp tác APEC trong những thập kỷ tiếp theo.
Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà New Zealand và các thành viên APEC, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác cũng như đóng góp cho các chương trình nghị sự của APEC trong năm 2021.
Việt Nam là nước chủ chốt xây dựng tầm nhìn APEC 2040 và đang tích cực tham gia xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả tầm nhìn này. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đi đầu kêu gọi tiếp cận công bằng vắc xin. Đặc biệt, đã có những cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể trong hợp tác APEC ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo THÀNH NAM (Vietnamnet)