Quang cảnh hội đàm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tại hội đàm, Chủ tịch PARLASUR cùng các Phó Chủ tịch đại diện cho các nước thành viên của khối (gồm Argentina, Brazil, Uruguay, Paraguay) hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Uruguay và có cuộc hội đàm với lãnh đạo PARLASUR.
Cho biết đã từng đến Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) -132 năm 2015, Chủ tịch PARLASUR bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển năng động của Việt Nam; nhấn mạnh PARLASUR rất quan tâm và mong muốn tăng cường hợp tác với Quốc hội Việt Nam vì vai trò quan trọng chiến lược của Việt Nam không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới.
Lãnh đạo PARLASUR đánh giá cao việc Đoàn Việt Nam có lãnh đạo các bộ, ngành phụ trách các lĩnh vực quan trọng mà MERCOSUR quan tâm như khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, thương mại, nông nghiệp... đồng thời, mong muốn sau chuyến thăm này, quan hệ Việt Nam - MERCOSUR và quan hệ Quốc hội Việt Nam với PARLASUR sẽ được củng cố và phát triển mạnh mẽ, hiệu quả thực chất hơn nữa, đem lại lợi ích cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước MERCOSUR.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Chủ tịch PARLASUR đã tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo PARLASUR và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Uruguay. Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của MERCOSUR (với gần 300 triệu dân và diện tích gần 15 triệu km2) trong việc thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; là nhân tố quan trọng góp phần củng cố, thúc đẩy nền dân chủ, hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực cũng như thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng về những thành tựu mà MERCOSUR đã đạt được sau hơn 30 năm thành lập, trở thành khu vực kinh tế - công nghiệp năng động, cạnh tranh và phát triển, có ảnh hưởng ngày càng lớn với vị thế là khối kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, là một trong khu vực sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng. Tuy cách xa về địa lý song các nước MERCOSUR luôn là những người bạn gần gũi, đoàn kết và hữu nghị của Việt Nam, quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam rất coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với MERCOSUR nói chung và từng nước thành viên của khối nói riêng.
Tại hội đàm, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam với MERCOSUR và với các nước thành viên được thúc đẩy trên các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao đến kinh tế - thương mại và đầu tư cùng nhiều lĩnh vực khác. Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp; MERCOSUR là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 12 tỷ USD vào năm 2022; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang MERCOSUR đạt 3,3 tỷ USD và nhập khẩu từ khu vực này đạt khoảng 8,7 tỷ USD. Dòng chảy thương mại giữa MERCOSUR và Việt Nam chiếm gần 1/4 tổng dòng chảy thương mại giữa MERCOSUR và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng những kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Điều này một phần khách quan là do hai bên xa cách về địa lý, khác biệt về ngôn ngữ, chưa có tuyến vận tải hàng hoá, hành khách trực tiếp nên chi phí logistics cao, nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng mấu chốt nhất vẫn là do hai bên chưa có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo với lãnh đạo PARLASUR về việc Việt Nam hiện đã hoàn tất việc rà soát nội bộ liên quan đến việc đàm phán FTA với MERCOSUR; mong muốn hai bên sớm khởi động đàm phán để đi đến ký hiệp định này, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên khối. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do tác động của đại dịch COVID-19 và những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nếu hai bên không hành động nhanh trong vấn đề này sẽ bỏ lỡ cơ hội, nhất là cơ hội trong hợp tác xử lý các thách thức toàn cầu hiện nay như: khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng.... Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Việt Nam đã kết thúc đàm phán 17 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, mới nhất là FTA với Isarel.
Về hợp tác khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác, Việt Nam đã ký một số Hiệp định hợp tác/Hiệp định khung, Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này với một số nước trong MERCOSUR như Argentina, Brazil nhưng hợp tác với MERCOSUR với tư cách là một khối trong những lĩnh vực này còn hạn chế.
Về hợp tác nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội Việt Nam có quan hệ hợp tác với Nghị viện 164 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ hợp tác song phương với tất cả nghị viện các nước thành viên MERCOSUR; cho biết Quốc hội Việt Nam sẵn sàng góp phần gắn kết quan hệ giữa Nghị viện MERCOSUR và Liên minh Nghị viện các nước ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký sổ lưu niệm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Lãnh đạo PARLASUR bày tỏ rất quan tâm đến việc Việt Nam có thể là cửa ngõ để MERCOSUR vào ASEAN; ủng hộ sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam - MERCOSUR để mở cửa thị trường cho nhau, tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu, đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới; đồng thời mong muốn sớm thiết lập cơ chế hợp tác trực tiếp giữa Quốc hội Việt Nam và PARLASUR, qua đó thúc đẩy các thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam và MERCOSUR.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch Nghị viện MERCOSUR Gustavo Penadés thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Nghị viện MERCOSUR vui vẻ nhận lời.
Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện MERCOSUR đã ra thông cáo báo chí chung.
Theo TTXVN