Từ ý thức của người chạy “xe ôm”…
Từ lâu, núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) được biết đến là ngọn núi linh thiêng nhất, cũng là nơi thu hút đông đảo du khách nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí. Cùng với du lịch phát triển, rất nhiều hộ gia đình trong khu vực có thêm nguồn sinh kế từ việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bán thức ăn, nước uống, chạy “xe ôm”, xe lữ hành phục vụ du khách, người hành hương. Tuy nhiên, lượng khách đến đông cũng kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường. “Dọc tuyến đường bộ từ chân núi lên đỉnh núi Cấm, đặc biệt là đoạn cặp theo suối Thanh Long, rất dễ bắt gặp rác. Túi ny-lon, ly nhựa, chai nhựa, hộp cơm, bọc đựng bánh… những du khách thiếu ý thức bỏ lại trên đường đi, vứt vào gốc cây, bụi cỏ, quăng xuống bờ suối. Nhiều người còn cột ống hút nhựa, treo bọc đựng nước, đồ ăn trên hàng rào lưới” - ông Nguyễn Văn An, hành nghề lái xe ôm lên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên) ngao ngán.
Nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực núi Cấm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự thoải mái của du khách khi đến đây, những người chạy “xe ôm”, xe lữ hành đã rủ nhau thu gom rác. Xuất phát từ tinh thần tự nguyện này, Ban Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch (BQLKDL) núi Cấm đã chỉ đạo Đội Quản lý Bến xe xây dựng kế hoạch, phối hợp các tổ, đội nghiệp vụ, công đoàn, chi đoàn BQLKDL núi Cấm, lực lượng tình nguyện (các cá nhân hành nghề vận chuyển hành khách) tổ chức thu gom rác thải, chặt mé cành cây, tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp đoạn đường hơn 8km từ chân núi lên đến đỉnh núi Cấm.
Hành động thiết thực này tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều hộ kinh doanh, người dân, du khách cùng tham gia. Ông Nguyễn Vương Linh, Phó Đội trưởng Đội Quản lý Bến xe núi Cấm cho biết, ngay ngày đầu tiên đã có 120 người tham gia vệ sinh đoạn đường từ resort Tư Minh lên vồ Cứu Nạn. “Công việc cụ thể là cuốc đất, xúc những phần đất chày xuống để mở rộng mặt đường, sau đó vệ sinh, nhặt rác, quét đường, chặt hạ cây che khuất tầm nhìn, các cây có khả năng đổ ngã ra đường gây nguy hiểm, phát hoang bụi rậm tạo cảnh quan thông thoáng, cắt cỏ sạch 2 bên lề đường”- ông Linh thông tin.
…đến sự đồng lòng của tuổi trẻ
Ngày thứ 2, lực lượng tình nguyện tiếp tục dọn sạch đoạn từ vồ Cứu Nạn đến đầu đường ấp Thiên Tuế (xã An Hảo). Ngày thứ 3 làm nốt tuyến đường còn lại lên đến đỉnh núi Cấm. “Trong 3 ngày, có hơn 260 lượt người đã tham gia hoạt động làm sạch đường núi Cấm. Qua đó, giúp các tuyến đường được mở rộng thêm, cảnh quan thông thoáng, tạo bộ mặt mới sạch đẹp cho núi Cấm, thu hút và hấp dẫn du khách hơn” - ông Nguyễn Vương Linh nhấn mạnh.
Ngay sau khi làm đẹp tuyến đường lên núi Cấm, ngày 24-7-2019, hơn 50 tình nguyện viên là các cá nhân hành nghề vận chuyển hành khách đã tham gia sửa chữa, mở rộng đoạn đường hơn 2km từ chân núi Cấm lên suối Thanh Long. Công việc cụ thể là vận chuyển cát, đá để trộn bê-tông, đổ ở những khúc đường bị hư hỏng, đồng thời mở rộng, nâng mặt đường ở những khúc cua nguy hiểm. “Việc mở rộng đường vừa tạo thuận lợi cho du khách lên núi Cấm tham quan, vừa đảm bảo an toàn hơn trong khâu vận chuyển. Phục vụ du khách cũng chính là phục vụ “chén cơm” cho chính mình” - tài xế “xe ôm” Nguyễn Văn An chia sẻ.
Trao quà cho học sinh
Để tinh thần vì một núi Cấm xanh - sạch- đẹp thêm lan tỏa, cuối tháng 7 vừa qua, Chi đoàn Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp Chi đoàn BQLKDL núi Cấm tổ chức vệ sinh môi trường đoạn đường từ chân núi lên suối Thanh Long. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền để người kinh doanh, du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Nhằm tri ân tinh thần thiện nguyện của các bác tài “xe ôm”, xe lữ hành, công đoàn, chi đoàn 2 đơn vị đã cùng nhau đóng góp trao tặng 20 phần quà cho các em học sinh là con, em của họ. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng, gồm: tập, viết, mì gói và 100.000 đồng tiền mặt.
“Chính tinh thần tình nguyện của những anh, chị hành nghề vận chuyển hành khách lên núi Cấm đã giúp tuyến đường sạch đẹp, thông thoáng hơn. Chúng tôi mong các anh, chị thường xuyên tiếp nối công việc này để núi Cấm ngày càng trở nên đẹp và hấp dẫn. Khi thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ được nâng cao, môi trường được bảo vệ, du khách sẽ càng hài lòng và đến núi Cấm nhiều hơn, chính các anh, chị lái xe cũng có thu nhập khá hơn để chăm lo cho gia đình” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu nhắn nhủ.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN