Chung tay quản lý biên giới, cửa khẩu

02/10/2024 - 07:33

 - Bám sát chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Cục Hải quan tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch, chương trình, nội dung phối hợp trong công tác quản lý, kiểm soát xuất - nhập khẩu, xuất – nhập cảnh, quá cảnh; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở cửa khẩu, khu vực biên giới.

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài khoảng 98,2km (hơn 12km đường biên giới trên sông), nhiều đường mòn, kênh rạch và sông chạy qua; tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Nhiều cửa khẩu tạo thành cửa ngõ thông thương, giao lưu thuận lợi với các nước trong khu vực, gồm: 2 cửa khẩu quốc tế (Vĩnh Xương, Tịnh Biên), 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông), cửa khẩu phụ Bắc Đai và cửa khẩu cảng Mỹ Thới.

Đường biên giới dài dẫn đến địa bàn quản lý của lực lượng biên phòng và hải quan rộng. Hoạt động của tội phạm ma túy, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất - nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên tuyến biên giới, hàng lậu được tập kết phía giáp biên Campuchia. Lợi dụng địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt, đối tượng vận chuyển hàng hóa bằng xuồng nhỏ, rồi đem cất giấu ở nhiều địa điểm, sau đó vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ. Mặt hàng chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát, vàng, tiền tệ, ma túy, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng… Thực trạng này làm tăng thêm sự phức tạp, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP và Cục Hải quan tỉnh tăng cường phối hợp (theo Quy chế 3929/QC-BĐBP-TCHQ, ngày 4/9/2029 giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng Cục Hải quan), nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông qua lại cửa khẩu. Qua đó, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của tỉnh An Giang.

Theo đại tá Nguyễn Hồng Khiêm, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh, trong 5 năm, hai lực lượng phối hợp kiểm tra, kiểm soát hơn 4,5 triệu lượt phương tiện xuất - nhập cảnh qua các cửa khẩu An Giang; 87,5 triệu tấn hàng hóa được nhập khẩu, 16,6 triệu tấn hàng hóa được xuất khẩu. Phối hợp tuần tra, kiểm soát hơn 4.000 lượt; bắt giữ 88 vụ liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tổng trị giá hàng hóa trên 22 tỷ đồng, 20.000 USD và 17kg pháo nổ; phối hợp tuyên truyền cho 1.122 lượt người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý…

Kiểm tra công tác phối hợp quản lý biên giới, cửa khẩu

Điển hình, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình kiểm soát chung đoạn biên giới dài 3km trên sông và khu vực cửa khẩu (thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú). Các đơn vị phối hợp bắt giữ 31 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy, liên quan 27 đối tượng, trị giá khoảng 7,5 tỷ đồng, 20.000 USD, 49.000 Riel; thu giữ hơn 1kg Ketamine, 1,5 tấn đường cát trắng, 11 tấn phế liệu…

Tháng 4/2024, tại Cửa khẩu Khánh Bình, 2 người điều khiển xe gắn máy đi từ hướng Campuchia về Việt Nam, không dừng lại khai báo làm thủ tục tại chỗ giám sát, kiểm soát nhập cảnh của Hải quan. Qua kiểm tra, các lực lượng phát hiện số lượng lớn tiền mặt Việt Nam, ngoại tệ. Sau đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bàn giao cho Công an huyện An Phú tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

“BĐBP tỉnh và Cục Hải quan tỉnh thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, tác phong, lề lối làm việc, thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa, chống phiền hà, sách nhiễu, tạo môi trường thông thoáng, chặt chẽ, công khai, minh bạch tại khu vực cửa khẩu. Hoạt động phối hợp kiểm tra, kiểm soát và sử dụng biện pháp nghiệp vụ, trang bị kỹ thuật, giám sát camera công nghệ hiện đại tại cửa khẩu được chặt chẽ hơn, giúp phát hiện nhiều trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường hiệu quả công tác quản lý. Đồng thời, tạo môi trường xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh minh bạch, công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp, hành khách và cư dân qua lại biên giới; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa” - đại tá Nguyễn Hồng Khiêm thông tin.

Trong đợt kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phối hợp thực hiện Quy chế 3929/QC-BĐBP-TCHQ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng biểu dương kết quả các đơn vị của tỉnh An Giang đạt được sau 5 năm. Đồng chí Lưu Mạnh Tưởng gợi mở: “Quá trình phối hợp, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp thực tế địa phương, cần báo cáo tham mưu cấp trên để sớm giải quyết, tháo gỡ. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cập nhật để hai lực lượng nắm rõ quy chế phối hợp, quy định nghiệp vụ của từng bên, nhất là khi văn bản pháp lý thường xuyên thay đổi, bổ sung theo tình hình mới”.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP cũng khẳng định, việc duy trì phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các lực lượng quản lý biên giới sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, đấu tranh hiệu quả với tội phạm trên tuyến biên giới. “Thời gian tới, các lực lượng cần tiếp tục thực hiện Quy chế 3929/QC-BĐBP-TCHQ, tránh tình trạng “làm thay”, “quyền anh quyền tôi”; kiến nghị hoàn thiện thể chế, quy định quản lý Nhà nước đáp ứng yêu cầu mới. Trong đó, chú trọng chuyển đổi số để đưa hiệu quả quản lý lên tầm cao hơn; tạo điều kiện thông thoáng nhất cho người dân và doanh nghiệp; tuyên truyền theo hướng nâng cao chủ thể của người dân khu vực biên giới, để người dân không vi phạm quy định về xuất - nhập cảnh, vi phạm pháp luật Việt Nam lẫn Campuchia” - thiếu tướng Lê Văn Phúc nhấn mạnh.

GIA KHÁNH