Chung tay thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản

20/05/2022 - 07:13

 - Sự tham gia của tăng ni, phật tử, tín đồ tôn giáo kỳ vọng giúp hoạt động thả cá tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản càng đi vào chiều sâu, tạo hiệu ứng và tiếng vang tốt. Qua đó, huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này.

Ký kết bản ghi nhớ hợp tác

Trước thực trạng sụt giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hoạt động thả cá tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm từ Trung ương đến địa phương. Sau giai đoạn hợp tác 2017-2021, ngày 20/12/2021, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ký bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025. Tại An Giang, ngày 28/10/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2495/QĐ-UBND, thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản được quan tâm. Mới đây, Sở NN&PTNT, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA) cùng ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này.

Cụ thể, hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, về: Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo quy định của pháp luật; bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; danh mục thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại không được phép thả; danh mục thủy sản khuyến khích thả tái tạo; kỹ thuật thả có hiệu quả. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên kênh thông tin truyền thông tỉnh và địa phương; website, tờ tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tuyên truyền trong sinh hoạt đạo sự...

Các bên sẽ cùng phối hợp tổ chức hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, huy động xã hội hóa từ tổ chức, cá nhân và tăng ni, phật tử. Việc thả cá được thực hiện tại từng địa phương, vào ngày lễ (như rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10, lễ Phật đản, lễ Vu Lan, ngày đưa ông Táo (23 tháng chạp), ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4), ngày lễ đạo...). Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh kết hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt thời điểm trước, trong và sau khi thả giống tái tạo thủy sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Thanh Vân cho biết, giai đoạn 2017-2020, Sở phối hợp tổ chức nhiều đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hoạt động này gây được tiếng vang lớn, thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân. Tăng ni, phật tử, tín đồ tôn giáo tự nguyện đóng góp nguồn lực, tham gia các buổi lễ thả cá. Nhiều tỉnh khác đến học tập kinh nghiệm của tỉnh An Giang, triển khai thực hiện.

Trong 5 năm qua, tỉnh huy động gần 2,9 tỷ đồng phục vụ các đợt thả cá, với 515 lượt tổ chức và 1.021 lượt cá nhân. Trong đó, tăng ni, phật tử, tín đồ tôn giáo, người dân, tổ chức tự nguyện đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng; thả gần 44 tấn cá giống kích cỡ lớn và trên 524.280 cá giống các loại có giá trị kinh tế (cá bông lau, cá hô, cá mè hôi, cá vồ đém, cá chạch lấu, cá lăng nha, cá vồ cờ và các loài cá bản địa khác).

Theo bà Vân, thành công trong lĩnh vực thả cá tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản những năm qua có sự hợp tác của đạo tràng, tăng ni, phật tử, tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh, sự tham gia và hỗ trợ tích cực của UBND huyện, thị xã, thành phố; tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, cần huy động thêm nhiều tăng ni, phật tử, tín đồ tôn giáo tham gia; cần chọn lọc giống loài thủy sản quý hiếm, thích nghi cao với môi trường tự nhiên, làm gia tăng khả năng sống và phát triển trong môi trường tự nhiên.

“Các bên sẽ tăng cường hướng dẫn tăng ni, phật tử, tín đồ tôn giáo và người dân thả tái tạo những loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, bản địa, đặc hữu vào vùng nước tự nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và mang lại lợi ích cho đời sống xã hội. Đồng thời, ngăn chặn, giảm thiểu phát tán loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ra môi trường” - bà Vân nhấn mạnh.

Thượng tọa Thích Viên Quang (Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh) cho biết, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản mang nhiều ý nghĩa, giúp bảo vệ, phát triển đàn thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học. Hoạt động này phù hợp với truyền thống phóng sinh của Phật giáo, nên sẽ được tăng ni, phật tử ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình.

NGÔ CHUẨN