Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”

19/09/2020 - 13:46

Ngày 18-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020 theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

Những vũ điệu carnival sôi động đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với Bà Nà Hills. (Ảnh: NDHT)

Theo đó, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 3455/BVHTTDL-TCDL gửi các sở quản lý du lịch, các hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch về việc tiếp tục phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020.

Trong công văn, Bộ VHTTDL cho biết, Chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ VHTTDL phát động ban hành theo Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL ngày 08-5-2020 vừa qua đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng lòng hưởng ứng, mang lại hiệu quả tích cực.

Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh trong tháng 5, 6, 7-2020, đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, từ ngày 25-7-2020, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương khiến hoạt động du lịch một lần nữa bị ảnh hưởng nặng nề.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL trong bối cảnh mới, Bộ VHTTDL tiếp tục phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020, tập trung vào các nội dung:

Các hoạt động kích cầu du lịch hướng theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của điểm đến.

Tập trung kích cầu nhằm vào đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Thực hiện phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở Liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE …

Xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của khách du lịch.

Nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Khuyến khích du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phần mềm ứng dụng công nghệ số liên quan.

Đẩy mạnh truyền thông về du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trên các kênh truyền thông Trung ương, địa phương và doanh nghiệp, góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ VHTTDL giao Tổng cục Du lịch điều phối hoạt động của các Liên minh kích cầu giữa các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, các hãng hàng không. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp quảng bá thông tin về chương trình kích cầu trên trang www.vietnamtourism.gov.vn, Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch và kênh Youtube, Zalo, Facebook của Tổng cục Du lịch. Chủ trì, phối hợp tổ chức phát động kích cầu du lịch tại một số địa phương, đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên toàn quốc.

Các Sở quản lý du lịch báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn: Tổ chức phát động kích cầu du lịch tại địa phương và xúc tiến điểm đến tại những trung tâm gửi khách lớn. Ban hành các chính sách miễn, giảm phí, vé vào cửa các điểm tham quan; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chương trình kích cầu. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo đảm việc tuân thủ các quy định an toàn phòng chống dịch bệnh tại các điểm đến, các doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện kiểm tra, giám sát bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá và chất lượng của chương trình kích cầu du lịch; kịp thời phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan.

Bộ VHTTDL đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hiệp hội du lịch địa phương, hội nghề nghiệp liên quan huy động hội viên tham gia liên minh kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, hãng hàng không, cơ sở dịch vụ và khu vui chơi giải trí thực hiện tốt các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh truyền thông về cam kết thực hiện du lịch an toàn. Xây dựng các sản phẩm mới, chương trình kích cầu/khuyến mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với đối tác, với khách du lịch.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch đầu tháng 7, hai tháng sau khi phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, du lịch trong nước đã có được những kết quả tích cực sau ba tháng “đóng băng” vì Covid-19. Lượng khách nội địa tháng 6-2020 đạt 7 triệu lượt, tăng 2,3 lần so với tháng 5-2020; Công suất phòng lưu trú đã tăng 50-60% vào ngày giữa tuần và 80-90% cuối tuần.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tái bùng phát từ giữa tháng 7 đã khiến ngành du lịch vừa bắt đầu hồi phục đã phải chịu “cú đấm bồi” từ đại dịch. Trong hai tháng cao điểm của du lịch nội địa, lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% cuối tháng 7 và tháng 8-2020. 

Theo T.LINH (Báo Nhân Dân)