Chuyển biến tích cực từ chương trình giảm nghèo

03/08/2021 - 10:26

 - Qua 15 năm, động lực giảm nghèo chính được tỉnh xác định là “tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách giảm nghèo” và một trong những chính sách quan trọng chính là tạo việc làm cho người nghèo. Điều đó được thể hiện trong hầu hết các trường hợp thoát nghèo, đặc biệt có nhiều hộ nhờ việc làm ổn định đã vươn lên khá giả.

Đảm bảo các chính sách

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình trên địa bàn các xã khó khăn. Cùng với đó, triển khai các chính sách để hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở, đào tạo việc làm. Bình quân hàng năm, toàn tỉnh cấp 350.000 thẻ bảo hiểm y tế, với kinh phí trên 280 tỷ đồng cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, phát triển và sử dụng hiệu quả Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo; khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ một phần viện phí cho đối tượng khó khăn đột xuất. Chính sách miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác khoảng 50 tỷ đồng/năm thực hiện kịp thời, đầy đủ hỗ trợ cho 50.000 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS… đang học tại các trường phổ thông trong tỉnh.

Để tạo điều kiện cho hộ nghèo an cư, có việc làm và thu nhập, tỉnh hỗ trợ và cất mới 22.320 căn nhà, tổng kinh phí trên 196 tỷ đồng, cùng với hàng ngàn căn nhà do UBMTTQVN và địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ. Nhiều giải pháp trong đào tạo nghề được triển khai tích cực, đồng bộ, đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 2008-2020. Trong đó, đã đào tạo nghề 148.864 lao động nông thôn. Nhiều địa phương có một số mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả và có khả năng nhân rộng. Tiêu biểu, trong mô hình nông nghiệp có nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trồng nấm, trồng rau màu, nuôi bò vỗ béo, trồng và thiết kế vườn… Mô hình phi nông nghiệp có nghề xây dựng dân dụng, may công nghiệp, lái xe, kỹ thuật chế biến thủy sản…

Hỗ trợ nhà ở, sinh kế để người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững (Ảnh chụp trước thời điểm giãn cách xã hội)

15 năm qua, toàn tỉnh giải quyết việc làm trên 442.000 lao động, trong đó 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Đáng kể, nhờ chính sách tín dụng ưu đãi đặc biệt cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Bình quân hàng năm, tỉnh giải ngân cho 20.000 hộ vay vốn phát triển kinh tế (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS, học sinh, sinh viên…) với số tiền trên 620 tỷ đồng.

Ưu tiên dự án vùng khó khăn

Tại các xã thuộc Chương trình 135, nhiều dự án được tập trung triển khai thực hiện đem lại kết quả tích cực. Các địa phương đã xây dựng 490 mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất cho 1.568 hộ nghèo, hộ cận nghèo đi kèm với hỗ trợ máy móc. Bên cạnh đó, đã thực hiện 82 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.151 hộ nghèo, trong đó có 447 hộ nghèo là người DTTS, tổng kinh phí giải ngân trên 20,6 tỷ đồng. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm và con giống thủy sản được cho hộ nghèo có điều kiện phát triển sinh kế, tăng thu nhập. Có 50 mô hình giảm nghèo được đánh giá, chọn lọc và tập trung nhân rộng ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn, biên giới thuộc Chương trình 135 cho 1.222 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Đa phần các hộ có tinh thần lao động, ý chí vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình, phát huy hiệu quả các mô hình: chăn nuôi bò, gia cầm, trồng cây mè, trồng gừng trong túi ny-lon, sản xuất đường thốt nốt…

Sự tham gia tích cực của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội đã triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phát động phong trào giúp nhau giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm đạt theo kế hoạch đề ra: giai đoạn 2006-2010, giảm bình quân 1,91%/năm; giai đoạn 2011-2015, giảm 1,36%; giai đoạn 2016-2020, giảm 1,50%/năm. Mức sống các hộ nghèo hiện nay so với những năm trước từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể. Trong đó, riêng hộ nghèo là đồng bào DTTS đến cuối năm 2020 giảm còn 8,98% (tương đương 2.452 hộ), giảm bình quân 3,70%/năm. Cùng với việc đầu tư có trọng điểm cho những hộ có khả năng thoát nghèo, các địa phương “tiếp sức” cho các hộ thoát nghèo bền vững hơn bằng cách giúp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương để tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo (xã, ấp đặc biệt khó khăn, vùng DTTS), khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

MỸ HẠNH