Chuyến công tác của Chủ tịch QH tới Áo giúp thúc đẩy toàn diện quan hệ

05/09/2021 - 08:34

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Áo phát triển khá toàn diện, ngoài chính trị, kinh tế còn mở rộng sang các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và văn hóa.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên, chuyến công tác của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Cộng hòa Áo để tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm (WCSP5) theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo sẽ góp phần thúc đẩy toàn diện quan hệ giữa Việt Nam và Áo.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại châu Âu, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết trải qua chặng đường lịch sử, hai đất nước đã gắn kết với nhau bằng mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp và năm nay là tròn 150 năm Đế chế Áo-Hung cử Lãnh sự danh dự tới thành phố Sài Gòn lúc đó, nay là Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2021 và 2022 đánh dấu những sự kiện trọng đại trong quan hệ ngoại giao song phương khi Đại sứ quán Việt Nam tại Áo kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (7-1991 - 7-2021) và hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12-1972 - 12-2022).

Kể từ khi Việt Nam và Áo chính thức thiết lập quan hệ, hai nước đã có những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị tới kinh tế, thương mại và đầu tư. Lãnh đạo cấp cao nhất hai nước cũng đã có nhiều dịp thăm viếng lẫn nhau và hai bên cũng đã tiến hành Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng năm 2019 và hai lần tham vấn cấp Tổng Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao.

Về quan hệ kinh tế-thương mại, kim ngạch thương mại song phương ở mức khá cao, đứng trong top 5 các đối tác của Việt Nam trong số các nước Liên minh châu Âu (EU). Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2019 đạt khoảng 3,6 tỷ USD.

Do tác động của đại dịch, kim ngạch song phương có giảm chút ít, tuy nhiên, kể từ tháng 8-2020, khi Hiệp định thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch hai chiều đã có những khởi sắc rõ rệt và dự kiến sẽ đạt được kết khả quan hơn nữa khi hiệp định này được khai thác triệt trong thời gian tới.

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Áo phát triển khá toàn diện, ngoài chính trị, kinh tế còn mở rộng sang các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và văn hóa với nhiều hoạt động trao đổi song phương. Hàng năm, Áo dành cho Việt Nam một số học bổng ở cấp đại học và sau đại học.

Theo Đại sứ, chuyến công tác tại Áo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mặc dù là hoạt động đa phương trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện thế giới, song cũng là dịp quan trọng giúp thúc đẩy các hoạt động song phương.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn Đại biểu cấp cao của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng sẽ có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác của Việt Nam với Áo trên một loạt lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp,...

Ngoài ra, thủ đô Vienna của Áo cũng là trung tâm lớn thứ ba thế giới về ngoại giao đa phương (bên cạnh New York ở Mỹ và Geneva của Thụy Sĩ). Vienna cũng là nơi đặt nhiều trụ sở lớn của Liên hợp quốc và thế giới như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL),...

Do vậy, với chuyến công tác tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ thúc đẩy các hợp tác nhằm khẳng định ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức này.

Chuyến công tác tham dự WCSP5 một lần nữa khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, tích cực và tham gia có trách nhiệm của hoạt động ngoại giao nghị viện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chuyến thăm sẽ tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ịch quốc gia, dân tộc.

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quốc tế Vienna, Cộng hòa Áo năm 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cộng đồng người Việt Nam ở Áo hiện có khoảng từ 5.000-5.500 người, hình thành từ sau năm 1975 và phát triển những năm 1990. Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Áo tập trung vào kinh doanh, làm ăn chăm chỉ, tuân thủ pháp luật nước sở tại và được chính quyền các đại phương đánh giá cao.

Đối với nhiều người Việt, đất nước Áo đã trở thành quê hương thứ hai và cộng đồng người Việt tại đây đã và đang tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị tốt đẹp, bền chặt giữa hai nước.

Theo MẠNH HÙNG (TTXVN/Vietnam+)