Chuyện của 3 xã bờ Đông

25/04/2023 - 04:41

 - Thời tiết nóng bức ban trưa như làm tăng thêm sức nóng cho buổi tiếp xúc cử tri ở xã Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh An Giang). Người dân đến từ sớm, bày tỏ rất nhiều băn khoăn về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bằng tấm lòng chất phác của mình, bằng hiểu biết lâu năm đối với mảnh đất họ gắn bó.

Một góc xã Vĩnh Hậu

Phú Hữu nằm trong cụm 3 xã bờ Đông của huyện An Phú (Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu). Muốn đến khu vực này, phải lụy đò. Cách trở về giao thông khiến quá trình phát triển kinh tế - xã hội nơi đây cần sự nỗ lực nhiều hơn. Điều đó lại không tương xứng với tiềm năng, khi các xã đóng vai trò sản xuất nông nghiệp chủ lực của huyện.

Chỉ tính riêng quý I/2023, xã Phú Hữu mang đến tổng sản lượng lương thực vụ đông xuân đạt trên 24.200 tấn; năng suất lúa trung bình 7,5 tấn/ha, bắp 11 tấn/ha. Xã Vĩnh Lộc xuống giống vụ đông xuân hơn 3.600ha, đạt 100% kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản đạt 35 tấn. Nông dân xã Vĩnh Hậu thu hoạch dứt điểm hơn 1.700ha, sản lượng lương thực đạt hơn 10.000 tấn.

Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, rất dễ hiểu khi những ý kiến phát biểu đầu tiên của cử tri 3 xã bờ Đông đều xoáy vào ước mong có cầu, có đường giao thông nối liền xã với xã, xã với huyện, để họ không sống trong cảnh “cách trở đò giang”, để nông sản mang từ đồng ruộng ra thị trường dễ dàng hơn, để cuộc sống của họ được thuận tiện như bao nơi khác.

Nắm rõ tâm tư bà con, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Thanh Sơn khẳng định, địa phương quan tâm nhiều đến phát triển giao thông khu vực trọng điểm nông nghiệp này. Điển hình là đường 3 xã bờ Đông đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, kinh phí hơn 140 tỷ đồng, sắp thi công trong quý II/2023. Dự án nâng cấp bờ Tây kênh Bảy Xã nằm trong quy hoạch, nối liền Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và Cửa khẩu Khánh Bình (dự kiến nâng lên thành cửa khẩu quốc tế), đang chờ được ghi vốn đầu tư.

Tuy nhiên, cũng có những ước ao đang nằm ngoài tầm với của địa phương. “Bà con mong muốn xây dựng cầu nối liền 3 xã bờ Đông sang Quốc lộ 91C (cầu An Phú - Vĩnh Lộc). UBND tỉnh, huyện đã mời gọi đầu tư, được thẩm định thủ tục liên quan, ký hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, kinh phí dưới 200 tỷ đồng. Đùng một cái, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhà đầu tư.

Muốn nhà đầu tư khác hỗ trợ lại vướng Nghị định 35/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Theo quy định mới, công trình giao thông vận tải lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không phải có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Chính vì thế, cầu chưa thể trở thành hiện thực, chờ tháo gỡ bất cập” - ông Trần Thanh Sơn bày tỏ.

Bên cạnh đó, an sinh xã hội cũng được người dân đặc biệt quan tâm. “Xã Phú Hữu nói riêng, huyện An Phú nói chung thuộc khu vực vùng sâu của tỉnh. Hàng năm, nước lũ dâng cao, làm ngập một số tuyến lộ thấp chưa được đầu tư nâng cấp. Đời sống người dân gặp khó khăn, nhất là về nhà ở. Những năm qua, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nhiều tuyến dân cư vượt lũ, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân. Rất mong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ được bố trí nhiều hơn trên địa bàn” - ông Lê Thành Thảo (cử tri ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu) chia sẻ nguyện vọng.

Bà Phạm Thị Dân (cử tri ấp Phú Lợi) có mong muốn khác. Hiện nay, 200 hộ trong tổng số hơn 600 hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn xã Phú Hữu chưa được cất mới, sửa chữa nhà, do thiếu khả năng. Hàng năm, số lượng hộ chính sách được hỗ trợ về nhà ở không nhiều. Bà đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đến chế độ cất, sửa nhà cho gia đình chính sách, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với người có công. Đồng thời, cần nghiên cứu điều chỉnh giá trị cất nhà, mức 50 triệu đồng/căn không còn phù hợp với giá cả vật liệu xây dựng tăng cao.

Về lĩnh vực này, ông Trần Thanh Sơn chia sẻ thêm: “Huyện ủy, UBND huyện An Phú đặc biệt quan tâm về cất nhà ở cho các đối tượng khó khăn. Hàng loạt khu nhà Đại đoàn kết đã và đang được xây dựng trên đất công do nhà nước quản lý. Nếu xã Phú Hữu tìm được quỹ đất theo yêu cầu, huyện sẽ vận động nguồn lực cất nhà.

Tuy nhiên, bà con và chính quyền địa phương rất mong đợi hỗ trợ của Trung ương về xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Chúng tôi kiến nghị ĐBQH đóng góp với Quốc hội, Chính phủ để chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ tiếp tục được thực hiện, bởi nhu cầu của người dân ĐBSCL rất lớn. Kết hợp xây dựng tuyến dân cư với lộ giao thông nông thôn sẽ là hướng đi phù hợp, khắc phục hạn chế của các giai đoạn trước đó”.

Lắng nghe ý kiến cử tri, ĐBQH Đôn Tuấn Phong (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) chia sẻ khó khăn của bà con 3 xã bờ Đông, vùng gian nan nhất của huyện An Phú: “Tôi rất kỳ vọng các công trình trọng điểm sẽ được đầu tư ở khu vực này. Nếu chính quyền địa phương thấy vướng mắc liên quan đến đầu tư công, với vai trò, trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ cùng lên tiếng đề xuất Trung ương; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ”.

GIA KHÁNH