Chuyên gia lý giải việc miền Trung hứng mưa lũ dồn dập trong tháng 10

26/10/2020 - 18:30

Không khí lạnh đến sớm và tương tác mạnh với các hệ thống thời tiết như bão, dải hội tụ nhiệt đới, nhiễu động gió đông trên cao nên gây ra những đợt mưa lớn và kéo dài ở khu vực miền Trung.

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, diễn biến thiên tai trong thời gian vừa qua cho thấy ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán.

Cụ thể, chúng ta phải chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, mưa đá diện rộng, nắng nóng kỷ lục, mưa bão nhiều và tập trung hơn, nhiều mưa lớn cục bộ, lũ lụt cũng sâu, diện rộng và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt khu vực miền Trung.

Từ ngày 1-20/10, khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông, dải hội tụ nhiệt đới với các vùng thấp phát triển lên thành áp thấp nhiệt đới và bão nên đã xuất hiện mưa lớn diện rộng.

Người dân Quảng Bình di chuyển bằng thuyền trong những ngày nước dâng cao

Tổng lượng mưa cả đợt từ 1.000-2.000mm, có nơi 2.000-3.000mm, cao hơn từ 3-5 lần so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử như: Khe Sanh 2.451mm so với TBNN là 329mm, Huế 2.370mm so với TBNN là 494mm...

Do mưa lớn, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bắc Bình Định và Kon Tum đã xuất hiện liên tiếp 2 đợt lũ. Trong đó một số nơi đã có đỉnh lũ vượt mức lịch sử như trên sông Hiếu (Quảng Trị) tại Đông Hà là 4,69m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m.

Ngay sau đó, ngày 18-10, đỉnh lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà là 5,36m vượt qua mực nước lịch sử vừa được thiết lập; đỉnh lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) là 5,24m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,06m.

Lý giải cho những thiên tai trên, theo ông Khiêm, đầu năm chúng ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, cuối năm lại chịu tác động của hiện tượng La Nina. Vì vậy thời tiết ở các khu vực ở nước ta sẽ có những diễn biến khá phức tạp, nắng nóng gay gắt đầu năm, bão và mưa lớn dồn dập vào cuối năm.

“Từ ngày 5-20/10 gần như ngày nào ở miền Trung cũng xuất hiện mưa to đến rất to và lượng mưa của 20 ngày đầu tháng 10 nhiều nơi đã vượt so với TBNN từ 100-200%, thậm chí ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhiều nơi còn vượt tới 300-400% so với TBNN.

Năm nay không khí lạnh đến sớm và tương tác mạnh với các hệ thống thời tiết khác như bão, dải hội tụ nhiệt đới, nhiễu động gió đông trên cao nên gây ra những đợt mưa lớn và kéo dài ở khu vực miền Trung”, ông Khiêm nói.

Khả năng mưa lớn còn kéo dài ở Trung Bộ

Ông Khiêm nhận định, thời gian các hình thái thời tiết cực đoan ở nước ta còn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

Dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 3-5 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Trong tháng đầu năm 2021 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 10 và tháng 11; gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng tháng 9-2020 ở vùng biển phía Nam Biển Đông; gió Đông Bắc của không khí lạnh trên khu vực phía Bắc và giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020-2021.

Đề phòng các đợt mưa lớn, đặc biệt lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong thời gian còn lại của tháng 10 và tháng 11-2020.

Trong những tháng mùa khô 2020-2021, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Xâm nhập mặn ở Nam Bộ sẽ sớm và gay gắt hơn so với TBNN.

Theo HƯƠNG QUỲNH (Vietnamnet)