Chuyên gia nói gì về thèm ăn và sức khỏe của bạn

06/10/2019 - 08:41

Tất cả mọi người đều thèm một thứ nào đó, nhưng nếu bạn luôn có cảm giác thèm một loại thực phẩm - thường không có lợi cho sức khỏe, thì đó có thể là cách cơ thể báo động một điều gì đó không ổn bên trong.

Shutterstock

Sau đây, chuyên gia dinh dưỡng Jo Travers, từ London (Anh), sẽ giải mã lý do của những món bạn thèm, từ muối, đồ chiên đến sô cô la và nhiều hơn nữa, theo UK Styles Yahoo.

1. Thèm muối

Trong hầu hết trường hợp, thèm muối chỉ là một sở thích đối với một thứ gì đó thơm ngon và hoàn toàn không có gì phải lo lắng, chuyên gia dinh dưỡng nói với Cosmopolitan.

Đôi khi, thèm muối có thể là cách cơ thể bạn cố gắng điều chỉnh sự mất cân bằng khoáng chất trong cơ thể, như mất nước hoặc mất cân bằng điện giải.

2. Thèm đường và đồ ngọt

Hầu hết mọi người thường thích ngọt, nhưng khi bạn quá thèm đồ ngọt, điều đó có thể phản ánh lượng đường trong máu của bạn.

Cảm giác thèm ngọt rất có thể là do lượng đường trong máu thấp, chuyên gia dinh dưỡng gợi ý. Đường, hoặc carbohydrate, là cách hiệu quả nhất để cơ thể tạo ra năng lượng, vì vậy khi thiếu năng lượng, bạn có thể thèm ăn carbs hoặc đồ ngọt.

Nên đưa vào bữa ăn các loại carbs phức, phân giải chậm, như ngũ cốc nguyên hạt, bột mì nguyên chất, hạt Quinoa, gạo lứt, lúa mạch, bắp, nhằm giải phóng từng lượng ít đường theo một tốc độ ổn định trong suốt cả ngày, giúp giữ lượng đường trong máu ổn định, theo UK Styles Yahoo.

3. Thèm sô cô la

Có ý kiến cho rằng thèm sô cô la biểu thị sự thiếu hụt magiê, tuy nhiên có rất ít bằng chứng ủng hộ điều này. Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng tin rằng thèm sô cô la cũng có thể phản ánh lượng đường trong máu thấp.

Thèm sô cô la cũng có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng. Theo quan điểm tiến hóa, chất béo và ngọt, có trong sô cô la, còn có ý nghĩa cho sự sinh tồn, vì vậy trong những lúc căng thẳng, cơ thể sẽ cần.

4. Thèm carbs - bánh mì, mì, khoai tây

Mặc dù ai cũng thích ăn tinh bột, chuyên gia cho biết thèm tinh bột có thể là một dấu chỉ khác về lượng đường trong máu thấp. Carb cung cấp năng lượng, vì vậy thèm ăn carb thường là do lượng đường trong máu thấp, theo UK Styles Yahoo.

5. Thèm phô mai

Phô mai là một nguồn protein và canxi tuyệt vời. Vì vậy, chuyên gia dinh dưỡng cho biết, nguyên nhân thèm phô mai có thể là do đói bụng, mặc dù đói bụng có thể khiến thèm muối hơn là phô mai.

6. Thèm thịt đỏ

Nhiều người nghĩ rằng thèm thịt đỏ có thể là do đang thiếu chất sắt. Nhưng chuyên gia dinh dưỡng đã làm rõ: không có bằng chứng nào cho thấy thèm thịt đỏ cho thấy sự thiếu hụt chất dinh dưỡng. Đơn giản đó chỉ là nhu cầu đa dạng hóa nguồn thực phẩm ăn vào, theo UK Styles Yahoo.

7. Thèm trà và cà phê

Theo chuyên gia Jo, có một vài lý do khiến chúng ta thèm trà hay cà phê. Đầu tiên là thiếu nước. Chúng ta cần 2 - 2,5 lít chất lỏng mỗi ngày, kể cả chất lỏng từ trà và cà phê. Nếu bạn không thích uống nước mà chỉ uống trà và cà phê, có thể do cơ thể bạn cần nước gây ra thèm trà và cà phê.

Lý do chính khác là caffeine. Không phải ai cũng nghiện caffeine nhưng đối với người nghiện cà phê, thiếu cà phê có nghĩa là thiếu năng lượng, gây đau đầu và cơn thèm có thể là một nỗ lực để khắc phục điều này, chuyên gia nói. Nếu bạn nghiện caffeine, hãy cố gắng giảm dần lượng tiêu thụ.

8. Thèm đồ béo hoặc đồ chiên

Đã đến lúc cần phải xem xét chế độ ăn uống của bạn. Những loại thực phẩm này không thực sự tốt cho sức khỏe và nên cố gắng tránh ăn quá nhiều, chuyên gia dinh dưỡng lưu ý.

Nhưng nếu bạn thèm đồ béo và đồ chiên, lý do có thể là tâm lý nhiều hơn là thể chất. Thèm đồ béo có thể chỉ là một loại giải phóng cảm xúc đang bị kìm hãm - chúng ta luôn muốn những gì chúng tôi không thể có, chuyên gia nói. Nếu chúng ta chỉ ăn thực phẩm ít chất béo, ít calo, có thể sẽ có một nỗ lực sinh học để tìm kiếm một số thực phẩm giàu chất béo, giàu calo, theo UK Styles Yahoo.

Theo THIÊN LAN (Thanh Niên)