Chuyên gia y tế: Nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

20/02/2022 - 09:50

Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần phải tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi và khẳng định vaccine này an toàn cho trẻ.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, COVID-19 cũng như các bệnh do virus, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, cần phải đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

“Nhớ lại trong quá khứ, có vaccine nhưng trẻ không được tiếp cận tiêm chủng và đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đó là vụ dịch sởi cách đây vài năm, rất thương tâm. Trẻ chưa được tiêm chủng mắc sởi và các cháu đã có những biến chứng rất trầm trọng và tử vong trong khi chúng ta có nguồn vaccine dồi dào, tỉ lệ tiêm chủng sởi rất cao (trên 90%).

Có những gia đình nhất định chưa đưa con mình đi tiêm chủng và hệ lụy đã xảy ra. Đối với COVID-19 cũng như vậy. Một lần nữa chúng tôi rất mong các bậc cha mẹ hãy tin tưởng”, PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

Cần đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. (Ảnh minh họa)

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nêu quan điểm, tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại.

Vì vậy, cần tư vấn cho các phụ huynh còn băn khoăn hiểu về lợi ích, lợi ích nhiều hơn nguy cơ. Nguy cơ sẽ giảm thiểu hết mức nếu tổ chức chu đáo, theo dõi và xử lý kịp thời những tác dụng phụ có thể xảy ra.

“Việc chích ngừa vaccine cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi, từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không các cháu sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu các cháu được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều”, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng thông tin.

Không ảnh hưởng tới yếu tố di truyền

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, các ông bố, bà mẹ lo ngại là có phản ứng gì lâu dài hay không? Có cả những câu hỏi về sinh sản, di truyền.

Ông Điển lý giải, bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin - khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.

"Những ảnh hưởng ngay lập tức 5, 7 ngày cho đến 10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.

Vai trò của các ông bố, bà mẹ là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau sẵn sàng nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn", PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Vị chuyên gia này cho biết, trong thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiêm chủng cho nhóm tuổi từ 12 - 18 tuổi, sự đồng thuận của cha mẹ cũng như phản ứng của các cháu rất tốt về tâm lý. Vì vậy trong thời gian tới đây, ngoài việc chuẩn bị về số thuốc, về dây chuyền tiêm… cần phải chú ý đến vai trò của truyền thông, để phụ huynh đồng thuận đưa trẻ đi tiêm.

"Với những kinh nghiệm thu nhận được từ các đồng nghiệp ở TP.HCM hay của một số chuyên gia khác, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch rất cẩn thận cho khu vực Hà Nội.

Chúng tôi triển khai phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành dành cho trẻ em, sau đó đưa vào triển khai trong thực tế tại khu vực Hà Nội", PGS.TS Trần Minh Điển nói. 

Cũng theo chuyên gia này, ở Hà Nội, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu. Nhưng với nhóm tuổi chưa được tiêm chủng, nhóm trẻ bị bệnh nền, cần có những quan tâm đặc biệt.

Theo THANH HẢI (VTC News)