Mở rộng hợp tác
Sau khi Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Vinacam Tri Tôn được thành lập (tháng 5-2016), phong trào liên kết SX ở xã Tân Tuyến càng phát huy hiệu quả.
Thông qua HTX, Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam ký hợp đồng tiêu thụ lúa cho ND theo giá thống nhất giữa công ty và HTX, giữa HTX và bà con ND. Trong quá trình SX, công ty cử cán bộ tham gia theo dõi, hướng dẫn ND về kỹ thuật SX, cung cấp giống và vật tư NN, tạm ứng kinh phí SX 500.000 đồng/công.
“Tính liên kết tiêu thụ này được phát triển mạnh và đã phát huy hiệu quả. Thông qua HTX, doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng SX tiêu thụ với ND từ 10.000 - 12.000 tấn lúa DS1/năm” - Chủ tịch Hội ND huyện Tri Tôn Trần Nam Dương nhấn mạnh.
Vùng lúa thực hiện liên kết sản xuất của nông dân huyện Tri Tôn
Tri Tôn là một trong những địa phương được Công ty TNHH Angimex Kitoku chú trọng phát triển mô hình liên kết SX - tiêu thụ lúa Nhật. Ông Dương cho biết, đến nay, diện tích hợp tác SX lúa Nhật đạt hơn 800ha, chủ yếu là giống Hana. Thông qua hợp đồng tiêu thụ, công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật ngay từ đầu vụ.
“Đây là mô hình liên kết khá chặt chẽ, giúp ND yên tâm SX. Ngay từ lúc gieo trồng, ND không còn lo vấn đề tiêu thụ, nhờ biết trước giá bán nên ND tính toán được tỷ lệ lợi nhuận sau thu hoạch. ND chỉ cần tập trung ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào quá trình SX để tăng năng suất, chất lượng hạt lúa làm ra. Tham gia mô hình, lợi nhuận và thu nhập của ND tăng từ 20-25 triệu đồng/ha” - ông Dương thông tin.
Lợi thế đất rộng cũng giúp Tri Tôn thu hút nhiều DN đầu tư “Cánh đồng lớn”, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - DN tiên phong với mô hình này. Khi hợp đồng SX với ND Tri Tôn, công ty ứng trước giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác thông qua lực lượng “3 cùng”.
Khi thu hoạch lúa, DN cho phương tiện đến vận chuyển về nhà máy, đưa vào sấy đạt tiêu chuẩn. Nếu thời điểm thu hoạch lúa, giá lúa chưa tốt, DN cho ND đưa lúa vào kho tạm trữ trong 1 tháng không tính phí, chỉ thu tiền vận chuyển ban đầu.
Quy trình này giúp ND trong vùng giảm chi phí và tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích (lãi hơn 1,5 lần so với phương thức canh tác thông thường), mở ra hướng làm ăn tốt trong hợp đồng đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm cho ND...
Tăng cường hỗ trợ
Ông Trần Nam Dương cho biết, nhằm phát huy lợi thế NN của huyện Tri Tôn, những năm qua, phong trào ND thi đua SXKD giỏi được Hội ND huyện chú trọng triển khai. Giai đoạn 2008-2018, toàn huyện đã có 36.490 lượt hộ ND đạt danh hiệu hộ ND SXKD giỏi các cấp. Phong trào được xem là diễn đàn lớn để ND học tập, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp nhau trong SX, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Đặc biệt, có nhiều ND không những vươn lên làm giàu cho bản thân với mức doanh thu đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
“ND ngày nay đã đổi mới tư duy trong cách làm ăn, nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch vào SX để hạ giá thành, tăng lợi nhuận. ND còn chủ động nắm bắt thông tin thị trường, năng động, sáng tạo trong SX, biết chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương, góp phần đưa nền SX hàng hóa của huyện ngày càng tăng cao và bền vững”- ông Dương nhấn mạnh.
Để thiết thực hỗ trợ ND vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều mô hình, dự án mới đã được triển khai trên địa bàn huyện Tri Tôn. Điển hình như dự án “Nâng cao năng lực cho ND trong SX lúa, gạo bền vững gắn với DN tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”.
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cho các mô hình tổ, nhóm hợp tác và nâng cao năng lực cho cán bộ Hội ND trong việc SX và tiêu thụ lúa, gạo, xây dựng chuỗi lúa, gạo bền vững có gắn kết với DN tiêu thụ. Ban Quản lý và điều hành dự án chọn Tổ hợp tác SX lúa thương phẩm ấp Tân Lợi (xã Tân Tuyến) để triển khai dự án. ND được tập huấn về SX lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP, các phương pháp đánh giá, kiểm tra (PGS).
Đồng thời, được các sở, ngành, địa phương cùng tham gia như: Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện mô hình điểm 20ha về thực hiện dự án SX lúa theo hướng an toàn, bền vững; Sở Công thương hỗ trợ giới thiệu các DN có uy tín tham gia vào chuỗi dự án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX…
“Địa phương đã hỗ trợ quy hoạch tiểu vùng 230ha thực hiện dự án, chọn những ND tiêu biểu tham gia vào chuỗi dự án. Bước đầu, dự án góp phần nâng cao nhận thức về liên kết, hợp tác trong SX, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường nông thôn, ghi chép sổ tay SX… Nhận thức về nâng cao giá trị hạt gạo của ND trong tổ hợp tác tham gia dự án ngày một nâng lên rõ rệt” - ông Dương phân tích.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN