Chuyến thăm CH Áo của Chủ tịch nước góp phần thúc đẩy hợp tác song phương

21/07/2023 - 09:08

Chuyến thăm chính thức tới CH Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời sau một thời gian dài các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Chuyến thăm cũng là trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong vòng 10 năm qua, do đó, được cả hai bên rất trông đợi.

Phát biểu trên được Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại châu Âu trước thềm chuyến thăm chính thức tới Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Theo Đại sứ, đây cũng là dịp để hai nước khẳng định mối quan hệ rất tốt đẹp đang phát triển toàn diện song phương, đồng thời cũng là chuyến thăm để Chủ tịch nước tiếp xúc, làm việc với các diễn đàn ngoại giao đa phương, qua đó khẳng định tiếng nói và vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế đa phương. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có các cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Áo, trong đó Chủ tịch nước sẽ dự lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Áo Claudia Arpa, đến gặp và làm việc với Thủ hiến các bang Vienna và Burgenland của Áo… Bên cạnh đó, Chủ tịch nước sẽ có các cuộc gặp gỡ, làm việc với đại diện các tổ chức quốc tế, trong đó có quyền Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo Đại sứ, với các cuộc làm việc này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác và khẳng định ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta trong hợp tác với các tổ chức quốc tế đa phương này. Thủ đô Vienna của Áo là trung tâm lớn thứ 3 thế giới về ngoại giao đa phương (bên cạnh New York ở Mỹ và Geneva của Thụy Sĩ), nơi đặt nhiều trụ sở lớn của Liên hợp quốc như IAEA, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tổ chức Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân (CTBTO), Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL). Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước cũng sẽ có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt tại Áo và một số nước châu Âu.

Đánh giá về tổng quan quan hệ song phương, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho hay quan hệ giữa Việt Nam và Áo là một trong những mối quan hệ quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với châu Âu. Trải qua chặng đường lịch sử, Việt Nam và Áo gắn kết với nhau bằng mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp, được đặt nền móng từ hơn 150 năm trước khi đế chế Áo - Hung lần đầu tiên cử lãnh sự danh dự tới Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1972, Áo là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và từ đó đến nay, hai nước đã làm sâu sắc mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị tới kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục... Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thăm Áo năm 2008 và Tổng thống Áo Heinz Fischer thăm Việt Nam năm 2012. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi nhiều đoàn cấp bộ, tiến hành nhiều cuộc tham vấn chính trị. Đặc biệt, năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm Áo nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tháng 4/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg thăm Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp lớn để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Về quan hệ kinh tế - thương mại, từ nhiều năm nay, Áo luôn đứng trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó kim ngạch song phương trước thời điểm đại dịch COVID-19 đạt gần 4 tỷ USD. Khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch hai chiều đã có những khởi sắc rõ rệt. Tuy nhiên, đầu tư của Áo vào Việt Nam còn khiêm tốn. Áo hiện đứng thứ 41/108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 43 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 148,59 triệu USD.

Quan hệ giữa Việt Nam và Áo phát triển khá toàn diện, ngoài chính trị và kinh tế còn mở rộng sang các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và văn hoá với nhiều hoạt động trao đổi song phương. Áo dành cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo về âm nhạc, khoa học và nghiên cứu (thông qua mạng lưới hỗ trợ các nước châu Á ASEA - UNINET của Áo mà Việt Nam đã tham gia). Bên cạnh đó, nhiều trường đại học hai nước đã có hợp tác đào tạo, điển hình như trường Đại học IMC Krem hợp tác với Đại học Thương mại, Đại học Hà Nội; Học viện Âm nhạc Việt Nam hợp tác với Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Biểu diễn Vienna,…

Về triển vọng quan hệ song phương, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên khẳng định hai bên còn rất nhiều tiềm năng để có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Đại sứ cho rằng một trong những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ với Áo là hợp tác về khoa học - công nghệ, bởi đây là thế mạnh của Áo. Khoa học - công nghệ sẽ giúp Việt Nam phát triển các ngành sản xuất, trong khi ở chiều ngược lại, Áo cũng nhìn nhận Việt Nam, ngoài là thị trường đang nổi ở châu Á, cũng là một trung tâm phát triển sản xuất. Theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, đây chính là những điểm hai nước có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác thời gian tới.

Theo TTXVN