Lần đầu "làm mẹ"
Mất gần 20 phút, bé trai sơ sinh hơn tuần tuổi mới uống hết vài chục ml sữa. Võ Trần Thanh Phương vỗ vỗ cho cậu bé ợ hơi rồi đặt lại chiếc nôi màu xanh. Liếc nhìn điện thoại đã 3h sáng, cơn buồn ngủ chưa được “dỗ dành” lại ập đến.
Mắt Phương díu lại. Cô ngồi tựa vào tường định chợp mắt dăm phút thì tiếng một bé gái gần đó ọ ẹ rồi khóc ré lên. Phương vội chạy tới thủ thỉ: “Ơi! Sao thế con, vừa ăn được một lúc mà. Thế này thì chắc lại khó chịu ở cái mông xinh rồi!”.
Phương liền mở bỉm kiểm tra, lấy khăn vải khô nhúng vào nước ấm lau sạch sẽ cho bé. Xong xuôi, cô mặc bỉm mới, cuốn lại chăn rồi đưa bé trở lại nôi. Tất cả mọi thao tác được Phương thực hiện một cách thuần thục dù cô chưa một lần sinh nở.
Tình nguyện viên sẽ thức suốt đêm chăm 6-7 bé.
Thanh Phương (33 tuổi) làm nghề giáo viên ở TP. Hồ Chí Minh cùng chồng kết hôn 7 năm nay nhưng chưa có được cơ hội làm mẹ. Ngay khi hay tin Bệnh viện Hùng Vương thành lập Trung tâm H.O.P.E (số 11 Lý Thường Kiệt, Quận 5) để chăm sóc những trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19 chưa thể đón về, Phương đã đăng ký tham gia.
Trải qua vòng kiểm tra sức khỏe, Phương được nhân viên điều dưỡng của bệnh viện tập huấn các kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh trong vòng 2 ngày. Ngoài ra, cô còn được dạy thêm các cách xử lý tình huống khi trẻ sặc sữa, nôn trớ, cách nắm bắt nhu cầu của trẻ qua tiếng khóc…
Ở trung tâm có hai ca trực mỗi ngày. Ca 1 từ 7h sáng đến 5h chiều và ca 2 từ 5h chiều đến 7h sáng hôm sau. Mỗi nhân viên tình nguyện như Phương sẽ phụ trách khoảng 6 bé, cho các bé uống sữa, thay bỉm, ru ngủ… “Lấy nhau một thời gian dài rồi nhưng vợ chồng mình chưa có con. Vậy nên khi vào đây làm công việc của một người mẹ, mình hạnh phúc lắm”, Phương nói.
Phương cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được làm công việc ý nghĩa này.
Mấy ngày đầu mới đảm nhận công việc của một bà mẹ bỉm sữa, Phương thấy hơi đuối sức. Bởi chưa khi nào cô thức trắng đêm nhiều như vậy. Để chống chọi với cơn buồn ngủ, cô đành tìm đến cà phê - loại đồ uống mà trước đây cô không hề thích một chút nào. Có lúc Phương lại liên tục vỗ nước vào mặt để tỉnh táo hơn.
“Khi các con qua đây, nhìn bé nào cũng non nớt. Nhưng sau một vài tuần, các con đã cứng cáp hơn. Nét mặt có hồn hơn bởi ngoài được vệ sinh và cho ăn, hàng ngày, các con còn được các mẹ, các cô trò chuyện, vỗ về hát ru”, cô giáo này chia sẻ.
Mẹ “đứng hình” khi con bế trẻ sơ sinh
Đang đi làm tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh nhưng khi biết có hàng trăm em nhỏ phải xa mẹ từ giây phút lọt lòng vì Covid-19, Kim Tiền (SN 1999) đã gọi điện xin tạm gác lại công việc. Tiền bảo, nếu có bị cho nghỉ thì sau này kiếm việc khác cũng được, còn bây giờ có quá nhiều người cần giúp đỡ nên cô không muốn bỏ qua cơ hội chung tay chống dịch này.
Các cô gái trẻ không còn ngại việc vệ sinh, thay tã cho các bé.
Để gia đình không phiền lòng, ban đầu Tiền giấu nhẹm chuyện đi làm bảo mẫu. Đến ngày thứ 2, mẹ cô gọi điện video, nhìn thấy con gái mặc bộ đồ màu hồng, cầm bình sữa cho trẻ sơ sinh ăn bà đã “đứng hình” trong giây phút. Bà rối rít hỏi: “Con ai đây? Con đang ở đâu đấy?”. Lúc này, Tiền mới nói thật về công việc mình làm và được mẹ hết lòng ủng hộ.
Tiền kể, hôm đầu tiên, vì công tác bàn giao mất nhiều thời gian hơn dự kiến nên các tình nguyện viên đợi từ sáng đến chiều các bé mới được đưa đến. Ngay khi chiếc xe chở bé xuất hiện, ai nấy ùa ra như đón con của mình vậy.
Nhìn những đứa trẻ nhỏ xíu, na ná nhau nằm một hàng dài trên xe đẩy, đôi mắt long lanh. Tiền thấy trong lòng trào dâng nỗi niềm khó tả. Giây phút ấy, cô gái chợt nghĩ đến việc những người mẹ sinh con ra mà không được gần con thì đau lòng nhường nào. “Vậy nên, mình tự dặn lòng sẽ yêu thương các bé trong giai đoạn khó khăn này để phần nào bù đắp cho các bé”, cô gái trẻ nhớ lại.
Sau một thời gian chăm sóc, “các mẹ” đã nắm được thói quen của từng trẻ.
Những đêm đầu tiên, Tiền khá sốc vì công việc chăm bé vất vả hơn những gì cô hình dung. Nhiều bé mới được vài ba ngày tuổi “ngủ ngày cày đêm” nên các tình nguyện viên phải bế trên tay một hồi lâu vì cứ đặt xuống thì các bé lại khóc. “Tiếng khóc của bé này lại làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé khác. “Cứ dỗ được bé này thì bé kia lại dậy”, Tiền chia sẻ.
Là một cô gái trẻ, ban đầu, kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh của Tiền hoàn toàn là con số 0. Lần đầu bế các bé trên tay, cô chỉ sợ rớt vì bé nào cũng quá nhỏ. Trước đây, nếu nhìn thấy bãi nôn trớ hay bỉm bẩn, Tiền còn cảm thấy sợ thì khi vào trung tâm, cô đã không thấy ngại bất cứ việc gì nữa.
Giờ đây Tiền có thể hai tay bế hai bé, chân vẫn có thể đẩy chiếc nôi cho một bé khác. Cho trẻ ăn đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên nhẫn, nhất là với những trẻ ăn chậm, dễ nôn trớ. Chính vì vậy Tiền bảo, trước đây, cô là một người khá kiên nhẫn, nhưng giờ thì sự kiên nhẫn đó lại được nâng lên một “tầm cao mới”.
Thấy mẹ đến đón con, ai nấy mừng như trúng số độc đắc
Chị Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Hùng Vương cho hay, các tình nguyện còn rất trẻ, có người là biên tập viên, sinh viên, giáo viên mầm non…
Một số người còn chưa có gia đình, chưa sinh con. “Khi vào đây, các bạn không được về nhà mà ăn nghỉ tại chỗ. Tuy vậy, ai cũng nhiệt tình và chấp nhận điều kiện sinh hoạt khép kín. Khi nào hỏi thăm các bạn ấy cũng “hăng” lắm, cứ kêu còn bé nữa không, cho qua em tiếp”, chị Diệp kể.
Theo chị Diệp, hiện có khoảng 60 bé đang được chăm sóc tại trung tâm. Nhiều bé vì gia đình đều là F0 nên không có ai đến đón. Nhiều bé thậm chí còn không liên lạc được với gia đình, không biết người thân đang ở nơi nào.
Có bé nhờ được người dì lên đón nhưng dì đến nơi test lại bị dương tính Covid-19 nên đành để cháu ở lại. Có bé đã qua đầy tháng rồi mà vẫn chưa được về nhà.
Theo chị Diệp, những đứa trẻ phải tách mẹ từ khi lọt lòng vì Covid-19 rất thiệt thòi. Nhiều ca sinh xong mẹ chưa kịp nhìn và nhớ mặt con. Nhớ về con có khi chỉ có tiếng khóc. Có trường hợp mẹ không qua khỏi vì covid-19, rất xót xa.
“Chính vì vậy khi các bé được gia đình đón về, các mẹ ở đây vô cùng vui mừng. Nếu là đích thân mẹ tới đón nữa thì ai cũng thấy như mình trúng số độc đắc vì biết chắc đứa trẻ này vẫn còn có mẹ. Bé sẽ không bị mồ côi”.
Theo HỒNG ANH (Vietnamnet)