Tại sự kiện Ngày dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam hôm 2/7, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Trung tâm Khám tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhiều chị em chia sẻ rất sợ chất béo, mỡ động vật. Một số người bỏ mỡ ra khỏi khẩu phần ăn, thay thế bằng dầu từ các loại hạt với mong muốn sẽ giảm được cân, có thân hình cân đối.
"Sợ chất béo, chất bột đường, nhưng chị em lại ăn quá nhiều chất đạm, lạm dụng các loại hoa quả, hạt có dầu”, bác sĩ Hưng nói và cho biết việc loại bỏ mỡ ra khỏi khẩu phần ăn là không tốt cho sức khoẻ mỗi người.
Chất béo là thành phần quan trọng với cơ thể, đặc biệt là lứa tuổi đang phát triển. Chất béo cung cấp năng lượng, tham gia cấu tạo tế bào. Dầu, mỡ là dung môi tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K, là những vitamin có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể.
Đối với những người bị béo phì có thể giảm dần số lượng chất béo từ dầu mỡ vào cơ thể, nhưng với người bình thường không nên cắt bỏ mỡ từ động vật.
Hệ tiêu hóa sẽ tiết ra men tiêu hóa, nếu lâu ngày bạn không ăn dầu mỡ thì tuyến tiêu hóa dầu mỡ sẽ teo dần. Hệ quả là tổn thương đường tiêu hóa, dẫn đến mắc các bệnh về dạ dày, đại tràng, rối loạn chuyển hóa, thiếu vi chất, các bệnh cơ xương khớp.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng tư vấn thăm khám về dinh dưỡng.
Với những ai lựa chọn các loại hạt để thay thế chất béo từ động vật, vị chuyên gia khuyến cáo không nên phụ thuộc quá nhiều vào một loại thực phẩm. Các loại hạt chứa nhiều chất béo không bão hoà tốt cho cơ thể, nhưng một số loại có hàm lượng chất béo khá cao, vượt qua nhu cầu cơ thể cần.
Ăn quá nhiều hạt, không biết được hàm lượng, số lượng cần và đủ mà chỉ nghe theo các bài đăng trên mạng rồi tự áp dụng cho bản thân mình, kiêng khem quá mức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mất cân bằng dinh dưỡng.
Phụ thuộc vào tuổi, vào giới, đặc điểm bệnh, tình trạng lao động mà chúng ta cân đối 3 chất sinh năng lượng là chất bột đường, chất đạm, chất béo phù hợp. Các thành phần phải được chia cân đối, hợp lý trong các bữa ăn sáng, trưa, tối. Thực phẩm nguồn gốc tự nhiên tốt nhất cho sức khỏe nên ưu tiên trong khẩu phần ăn.
Việc tự cân đối khẩu phần ăn cho bản thân sẽ khá khó nếu không được đào tạo về dinh dưỡng. Vì vậy, tốt nhất phải có sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ. Bạn nên đi thăm khám để được các bác sĩ tư vấn khẩu phẩn ăn, số lượng chất béo cần thiết cho cơ thể, từ đó cân bằng trong các bữa ăn, lấy bao nhiêu mỡ từ động vật, thực vật, các loại hạt.
“Bác sĩ sẽ hướng dẫn ăn bao nhiêu chất béo là đủ, từ đó nạp đủ số lượng cần thiết để không bị mệt mỏi. Chúng ta cũng nên kết hợp cùng luyện tập thể dục để có thân hình cân đối mà không phải ăn kiêng quá mức hay phụ thuộc quá nhiều vào một loại thực phẩm”, bác sĩ Hưng nói.
Trường hợp không có điều kiện đi khám dinh dưỡng thì nên duy trì thói quen ăn lành mạnh như ăn cơm (chất bột đường) phải chiếm 50-60% trong bữa ăn. Sau đó là chất đạm 15-20%, tức lượng đạm khá ít, còn lại là chất béo cho các món xào rán, các loại hạt có dầu, hoặc thực phẩm chế biến dưới dạng nộm, trộn... để lấy chất béo từ dầu mỡ. Các gia đình không nên quá cực đoan, chỉ ăn món luộc, ăn hạt, không ăn cơm sẽ không tốt cho sức khỏe.
Theo VTC