Các kênh online là cách thức thuận lợi nhất để thuê bao chủ động bổ sung thông tin, ảnh chân dung cho số điện thoại của mình lẫn người thân, nhưng nếu cập nhật sai, họ có thể bị xử phạt nặng.
Kênh online tạo thuận lợi cho người dân chủ động bổ sung thông tin thuê bao.
Theo quy định của Nghị định 49/2017, những cá nhân, tổ chức giả mạo hoặc sử dụng thông tin, ảnh chụp của người khác để đăng ký thông tin thuê bao cho mình sẽ bị phạt tiền.
Cụ thể, việc giả mạo, sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng.
Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo quy định của Nghị định 49, nhà mạng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng trên mỗi số thuê bao đối với hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định. Tuy nhiên, mức xử phạt của Nghị định lại quy định tổng số tiền phạt không vượt quá 200 triệu đồng.
Cũng theo nội dung Nghị định 49, nhà mạng cũng có thể bị phạt đến 30 triệu đồng với mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không tuân thủ đúng quy định khi thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Ngoài phạt doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp viễn thông di động cũng có thể bị phạt tới 100 triệu đồng đối với các sai phạm lớn.
Các tổ chức, cá nhân bán, lưu thông SIM thuê bao đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ hoặc bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng.
Theo A.V (VOV)