Hình ảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: Trường Đại học Hong Kong
Theo đài Sputnik (Nga), các chuyên gia y tế, bao gồm nhà nghiên cứu bệnh lý học và nhà virus học, đã chụp lại hình ảnh hiển vi điện tử của tế bào thận khỉ (Vero E6) sau khi con vật này nhiễm biến thể Omicron. Mới đây, họ đã đã công bố hình ảnh của biến thể này ở độ phóng đại thấp và cao.
Các nhà nghiên cứu giải thích ở độ phóng đại thấp, hình ảnh cho thấy các tế bào bị tổn thương với các nang sưng tấy chứa các hạt virus nhỏ màu đen. Trong khi ở độ phóng đại cao, hình ảnh cho thấy tập hợp các hạt virus tròn có gai trên bề mặt.
Theo báo cáo, các nhà nghiên cứu từ Khoa Vi sinh vật học tại Đại học Hong Kong đã tìm cách phân lập Omicron từ các mẫu bệnh phẩm lâm sàng, điều này sẽ cho phép giới khoa học phát triển và sản xuất vaccine chống lại biến chủng mới.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào cuối tháng 11. Biến thể mới chứa nhiều đột biến chưa từng thấy, khoảng 50 đột biến trong đó có 32 đột biến nằm ở protein gai, bộ phận giúp virus xâm nhập các tế bào. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại Omicron có thể né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể và dễ dàng lây lan hơn.
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)