Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đạt mức độ trung bình thế giới

21/02/2020 - 09:36

Sáng 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì tại điểm cầu An Giang.

Hội nghị tại điểm cầu An Giang

Theo đánh giá của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể.

Cả nước đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại như: chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra...

Tuy nhiên, hạn chế trong lĩnh vực này là hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm; tổn thất sau thu hoạch còn lớn (khoảng 10-20%); sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp còn nhiều hạn chế… Từ đó, đặt ra yêu cầu đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đối với An Giang, vùng trọng điểm lúa và cá tra cả nước, đã hình thành được 419 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chủ yếu là chế biến nông sản), sử dụng 33.572 lao động, tổng vốn 21.004 tỷ đồng (niên giám thống kê năm 2018).

Thông qua chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, đã có một số dự án chế biến nông sản đầu tư mới với quy mô lớn được xúc tiến triển khai. Đây cũng là định hướng phát triển lâu dài của tỉnh.

Tin, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích