Công tác lập pháp mang đậm dấu ấn đổi mới

03/01/2024 - 08:15

Năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp, cùng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, đưa đất nước ngày càng gặt hái thêm nhiều thành công.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn).

Giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách

Trong năm 2023, Quốc hội (QH) đã tổ chức thành công 5 kỳ họp với 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại Kỳ họp thứ 5, QH đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 luật; thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, QH đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu quan trọng đối với 8 dự án luật khác.

Với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 5, QH, các cơ quan của QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

 

Tại Kỳ họp thứ 6, QH đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. QH đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để “giữ chân” và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, tại Nghị quyết chung của Kỳ họp, QH đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. QH cũng đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư trong thời gian tới.

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch QH nhấn mạnh các đạo luật được thông qua; cho ý kiến tại Kỳ họp lần này có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách. Các vị đại biểu QH đã phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề lớn, quan trọng, nhất là các chính sách mới được đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương; quán triệt nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nhiều hoạt động đầu tiên mang đậm dấu ấn đổi mới

Cùng với các Kỳ họp thường kỳ, bất thường, các phiên họp hàng tháng của UBTVQH và các Hội nghị Đại biểu QH hoạt động chuyên trách, năm 2023, QH, UBTVQH cũng đã tổ chức nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn đổi mới. Trong đó, lần đầu tiên QH yêu cầu Chính phủ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo với QH; lần đầu tiên UBTVQH tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của QH khóa XV, diễn ra vào tháng 9/2023.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triển khai các luật, nghị quyết đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm lớn hơn giữa các cơ quan, tổ chức. Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan ở Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả, bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của QH, UBTVQH, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Chủ tịch QH đặc biệt yêu cầu chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 10/9/2023, diễn ra Phiên họp giả định “QH trẻ em” lần thứ nhất năm 2023. Phiên họp có ý nghĩa quan trọng thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Phiên họp có sự tham dự của 263 đại biểu thanh thiếu niên tiêu biểu toàn quốc nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023 - 2027 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành vào ngày 08/8/2023; đây là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Mô hình phiên họp QH giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định, ý kiến thảo luận tại Phiên họp giả định và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để QH, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.

Không “đóng khung” một năm “xuân thu nhị kỳ” 2 kỳ họp, năm 2023, QH cũng đã họp 3 kỳ bất thường, trong đó đáng chú ý là đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 (tháng 1/2023).

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án Luật này, tại Kỳ họp thứ 6, QH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng; đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các Luật này sau khi được ban hành.