COVID-19: Biến thể Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng ở trẻ nhỏ

22/01/2022 - 19:50

Các nhà khoa học phát hiên rằng những trẻ mắc COVID-19 trong thời gian Omicron xuất hiện và lây lan có nguy cơ phải cấp cứu thấp hơn 29%, nguy cơ phải nhập viện ở nhóm đối tượng này thấp hơn 67%.

Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho trẻ em. (Nguồn: Getty Images)

Một nghiên cứu mới đây cho thấy biến thể Omicron dường như có ít nguy cơ gây triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ hơn so với biến thể Delta.

Kết luận trên dựa trên công trình nghiên cứu và phân tích hồ sơ sức khỏe của gần 80.000 trẻ em Mỹ dưới 5 tuổi đã từng mắc COVID-19 một lần, trong đó 7.201 trẻ mắc bệnh vào cuối tháng 12-2021 hoặc đầu tháng 1-2022, thời điểm biến thể Omicron chiếm tới 90% ca mắc mới tại nước này. 

Sau khi cân nhắc các yếu tố rủi ro khác, gồm điều kiện y tế và bối cảnh kinh tế xã hội, các nhà khoa học phát hiên rằng những trẻ mắc COVID-19 trong thời gian biến thể Omicron xuất hiện và lây lan có nguy cơ phải cấp cứu thấp hơn 29%, nguy cơ phải nhập viện ở nhóm đối tượng này thấp hơn 67%, nguy cơ phải điều trị tích cực thấp hơn 68% và khả năng phải dùng máy thở thấp hơn 71% so với những trẻ nhiễm biến thể Delta.

Tuy nhiên, do khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron, tổng số lần khám tại khoa cấp cứu, nhập viện, điều trị tích cực và sử dụng máy thở cơ học ở trẻ nhiễm biến thể Omicron có thể nhiều hơn so với trẻ nhiễm biến thể Delta.

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Rong Xu, thuộc trường Y, Đại học Case Western Reserve, tỷ lệ nhiễm biến thể Omciron và Delta ở trẻ da màu và gốc Tây Ban Nha dưới 5 tuổi cao hơn một cách không đồng đều và số ca nhiễm biến thể Omicron ở trẻ ngày càng cao hơn so với số trẻ nhiễm Delta.

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron cao nhất so với nhóm tuổi lớn hơn và người trưởng thành.

Theo THANH HƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)