Đó là kết luận được đưa ra sau một nghiên cứu với gần 62.000 trẻ em Mỹ mắc hen suyễn và được xét nghiệm PCR trong năm đầu tiên của đại dịch, trong đó có 7.700 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo kết quả nghiên cứu, đăng trên tạp chí dị ứng và miễn dịch học lâm sàng (Journal of Allergy and Clinical Immunology: In Practic), trẻ mắc COVID-19 phải thăm khám, nhập viện vì bệnh hen suyễn nhiều hơn, hoặc thậm chí sử dụng máy trợ thở khẩn cấp và điều trị bằng steroid trong 6 tháng sau khi mắc so với trẻ có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có tiền sử mắc hen suyễn.
Giáo sư Christine Chou, phụ trách sức khỏe trẻ em ở bang California (Mỹ), cho biết ở nhóm trẻ âm tính với SARS-CoV-2, "bệnh hen suyễn được cải thiện trong 6 tháng sau đó, đồng nghĩa với việc ít phải thăm khám khẩn cấp và nhập viện vì hen suyễn và ít phải dùng thuốc điều trị hen suyễn hơn".
Bà Chou cho biết các nghiên cứu trước đó cho thấy việc kiểm soát bệnh hen suyễn được cải thiện trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 có thể là nhờ các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng như ở trong nhà và đeo khẩu trang, giúp ngăn phơi nhiễm với các nguyên nhân gây hen suyễn.
Chuyên gia trên lưu ý rằng dù cảm giác chung là trẻ mắc hen suyễn khỏe hơn trong năm đầu đại dịch, nhưng nghiên cứu trên cho thấy "tác động kéo dài hơn của COVID-19 đối với khả năng kiểm soát bệnh hen suyễn ở trẻ".
Theo BÍCH LIÊN (TTXVN)