Cùng hành động, thúc đẩy chuyển đổi số

14/06/2024 - 08:42

 - Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh vừa ban hành Chương trình hoạt động năm 2024. Mục tiêu chương trình nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số An Giang hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.

Những mục tiêu cụ thể

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, việc ban hành chương trình hoạt động nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc triển khai chuyển đổi số. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển KTXH số trên địa bàn tỉnh.

Các chỉ tiêu cụ thể ưu tiên để thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển KTXH nhanh và bền vững”, gồm: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số hoạt động trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu có 60% DN tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải. 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Phấu đấu hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu. Trong đó, có 25 dịch vụ công theo Đề án 06/CP (Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022) và 28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, kết nối toàn diện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC). Phấn đấu 100% khu vực lõm sóng trên địa bàn tỉnh được phủ sóng băng rộng di động. Triển khai sử dụng có hiệu quả nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Tổ chức triển khai nền tảng giám định sinh vật gây hại cho cây trồng trên địa bàn tỉnh.

“Để thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị bám sát thực tiễn, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, tạo bứt phá trong chuyển đổi số gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh. Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và DN trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số; cơ quan Nhà nước các cấp phải chủ động, tích cực, kịp thời trong công tác phối hợp triển khai. Lấy người dân, DN là trung tâm của chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đo lường, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.

Những kết quả khích lệ

Theo Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh An Giang, năm 2023, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình chuyển đổi số, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của DN và đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân. Tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh về nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch. Kết quả, chương trình chuyển đổi số tỉnh đã thực hiện 11/15 chỉ tiêu đề ra, đạt 73,3%; nghị quyết chuyển đổi số tỉnh đã thực hiện 9/22 chỉ tiêu, đạt 40,9%.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang tiếp tục vận hành, tiếp nhận phản ánh kiến nghị người dân. 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh hỗ trợ 19 DN tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử Shopee; hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đăng ký thông tin, bán hàng qua trang thương mại điện tử, kênh bán hàng thương mại điện tử trên ứng dụng mua sắm trực tuyến; đưa 150 sản phẩm OCOP và nông sản lên website http://sanphamangiang.com, http://ketnoiocop.vn để quảng bá, giới thiệu trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Cổng dữ liệu mở tỉnh An Giang được vận hành tại địa chỉ https://opendata.angiang.gov.vn/, có 179/188 cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và xã cung cấp dữ liệu mở, đạt 94,2%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cung cấp đầy đủ thông tin TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính Nhà nước đạt 100%; tỷ lệ báo cáo của cơ quan Nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 100%. Đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trạm xăng dầu… sử dụng dịch vụ mua, bán hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ xây dựng mô hình chợ 4.0, mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”…

“Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, DN và cuộc sống người dân. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ vào phát triển KTXH, hướng đến phát triển toàn diện về mọi mặt đời sống Nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.

Chính phủ xác định năm 2024: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển KTXH nhanh và bền vững”. Đồng thời, phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng

 

MINH THƯ