Xây dựng hình mẫu hợp tác mới
An Giang và Đồng Tháp đều giữ vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế, thương mại giữa 3 thành phố lớn (TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ của Việt Nam, thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia), là cửa ngõ giao thương lâu đời vùng ĐBSCL. Cùng với các tuyến quốc lộ đi qua, việc đưa vào sử dụng cầu Vàm Cống, xây dựng cầu Châu Đốc, đề xuất xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, An Giang và Đồng Tháp sẽ kết nối hoàn chỉnh và thông suốt mạng lưới giao thông.
Hiệu quả từ những hoạt động hợp tác (trên từng lĩnh vực riêng lẻ trước đây) là động lực thúc đẩy An Giang và Đồng Tháp triển khai hợp tác toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng - an ninh. Từ đó, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cùng nhau phát triển, thực hiện tốt định hướng phát triển của vùng và của 2 địa phương. Lãnh đạo 2 tỉnh xác định nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng phát triển; hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau của các tổ chức, doanh nghiệp (DN), có bước đi thích hợp từ thấp đến cao, theo từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở đảm bảo hiệu quả KTXH.
Một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa 2 tỉnh An Giang - Đồng Tháp là hợp tác phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, 2 địa phương cùng phối hợp, trao đổi thông tin liên kết vùng, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển KTXH, trong đó đặc biệt chú trọng kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Với vị thế đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang và Đồng Tháp hợp tác đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển chung cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
An Giang và Đồng Tháp đẩy mạnh liên kết vùng theo định hướng của Chính phủ (trung tâm vùng, quy hoạch vùng, hội đồng vùng) nhằm đầu tư kết nối trục phát triển kinh tế (TP. Châu Đốc - TP. Long Xuyên - TP. Sa Đéc - TP. Cao Lãnh - TP. Vĩnh Long - TP. Cần Thơ). Đồng thời, chú trọng liên kết hợp tác, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng trọng điểm về kinh tế, như: TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ… Từ đó, khai thác tối đa lợi thế nông nghiệp, nhằm phát triển hiệu quả sản xuất nông sản, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho địa phương và cho cả vùng ĐBSCL.
Vì sự phát triển của ĐBSCL
Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng Tháp và An Giang tập trung vào nhóm giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn nước sông Mekong, định hướng mục tiêu phát triển bền vững dựa trên tầm nhìn mới về an ninh lương thực, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao giá trị hàng hóa thủy sản, trái cây, lúa gạo… Hai tỉnh cùng vận động, mời gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác đầu tư từ cộng đồng DN và tổ chức quốc tế vào khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, với vị trí quan trọng trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, An Giang và Đồng Tháp đẩy mạnh hợp tác phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư khu vực biên giới. Hai tỉnh cùng phối hợp kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành Trung ương xem xét, đồng ý cho chủ trương về cơ chế và chính sách đặc thù thu hút đầu tư đối với khu kinh tế chuyên biệt trong khu kinh tế cửa khẩu mỗi tỉnh, chính sách thu hút đầu tư khu vực biên giới. Từ đó, tạo động lực phát triển mạnh kinh tế biên giới, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh trong thời gian tới. Đồng thời, hợp tác kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào các dự án trọng điểm, quy mô lớn tác động KTXH của 2 địa phương.
Với vai trò cửa ngõ giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL với ASEAN, An Giang và Đồng Tháp đẩy mạnh hợp tác phát triển logistics, công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, An Giang và Đồng Tháp phối hợp xúc tiến, vận động DN có tiềm lực đầu tư theo chuỗi trên địa bàn 2 tỉnh chuyên ngành siêu thị, thương mại, chợ, hệ thống cảng, kho trung chuyển, trung tâm logistics, kho dự trữ, bảo quản, lưu thông mặt hàng chiến lược. Đồng thời, liên kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản, thủy sản với định hướng phát triển về “chất”; chú trọng nâng cao giá trị gia tăng cho nông, thủy sản; liên kết đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ tốt cho phát triển công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, liên kết, hợp tác trong xúc tiến thương mại, phát triển du lịch (DL) mà 2 địa phương có thế mạnh, phối hợp và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong tổ chức hội chợ, hội thảo…
Một trong những lĩnh vực quan trọng khác được An Giang và Đồng Tháp quan tâm là hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Trong lĩnh vực DL, cùng với triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, An Giang và Đồng Tháp liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm DL mới, kết nối tour, tuyến DL tiêu biểu; xây dựng, khai thác sản phẩm DL có tính tương đồng, phát triển sản phẩm, dịch vụ DL phong phú, đa dạng, gia tăng giá trị của nhau nhưng tránh trùng lắp.
NGÔ CHUẨN