Cùng nông dân vượt qua đại dịch

04/02/2022 - 07:49

 - Kinh tế nông nghiệp của tỉnh là lúa gạo, cá tra phi-lê xuất khẩu, rau màu và cây ăn trái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc vận chuyển, giao thương, mua bán nông sản gặp khó khăn, có thời điểm xảy ra ùn ứ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Trước tình hình đó, từ tỉnh đến các địa phương có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hỗ trợ nông dân liên kết tiêu thụ nông sản và duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn quá trình sản xuất, tiêu thụ, lưu thông nông sản và có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đơn vị đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh thành lập  Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ tiếp nhận thông tin, tháo gỡ, xử lý dứt khoát, giải quyết khó khăn và hỗ trợ đầu ra cho nông dân, thương lái và doanh nghiệp (DN) trong thu hoạch, tiêu thụ và lưu thông nông sản, được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.

Các DN lớn đã tập trung thu mua nông sản, như: Công ty TNHH nông nghiệp Hoàng Phan thu mua hơn 5.000 tấn, Công ty XNK trái cây Chánh Thu 2.000 tấn, Công ty TNHH Lefarm 300 tấn, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit 1.000 tấn, Công ty Ánh Dương Sao 35 tấn xoài thái, Công Ty TNHH TMDV XNK Vina T&T 2.000 tấn…

Đồng thời, sở hỗ trợ Công ty TNHH-TM-XNK Phước Phúc Vinh xuất khẩu 2 tấn xoài tượng da xanh qua Mỹ. Công ty SD sản xuất chuối 20ha cung cấp cho siêu thị và cửa hàng Bách Hóa Xanh. Thông qua Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh An Giang đã kết nối cung ứng gần 41.900 combo nông sản cho TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Trong đó, Công ty Thần Tài có 23.000 combo, Công ty Nông Phát Đạt 16.000 combo, Hợp tác xã (HTX) GAP cù lao Giêng 1.900 combo, Tổ hợp tác nông sản Chợ Mới 8.000 combo.

 Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng chia sẻ, đơn vị đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân trên 187 tấn nông, thủy sản các loại; hỗ trợ 8 DN thu mua lúa hè thu 2021 tại các vùng nguyên liệu đã ký kết; 2 DN kinh doanh xuất khẩu thủy sản ngoài tỉnh đến thu mua cá tra thương phẩm.

Giới thiệu các combo nông sản của tỉnh đến chương trình “Đi chợ hộ” của tỉnh Bình Dương; hỗ trợ HTX tiêu thụ nông sản Chợ Mới đưa nông sản vào tiêu thụ tại Trung tâm thương mại Gigamall (TP. Hồ Chí Minh); hỗ trợ đưa 50 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của 35 DN lên sàn Voso.vn; đưa 15 sản phẩm OCOP lên các sàn Postmart, Shopee, Tiki. Hỗ trợ 22 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh đẩy mạnh phân phối hàng Việt qua chương trình “Gian hàng trực tuyến” và các sàn thương mại điện tử...

Trong mùa dịch COVID-19, nhiều mô hình tiêu thụ nông sản kiểu mới đã được hình thành. Những mặt hàng nông sản bán chợ hàng ngày, như: Dưa leo, khổ qua, bầu bí... được nông dân tiêu thụ qua hình thức bán hàng trực tuyến (online) rất nhiều. Nông dân, các ban, ngành tận dụng tối đa sự liên kết qua Internet, mạng xã hội Zalo, Facebook… để lập nhiều nhóm cùng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mô hình hỗ trợ nông sản được hình thành, vai trò HTX được phát huy, giúp nông dân giải quyết được bài toán ùn ứ nông sản, duy trì hoạt động sản xuất.

Giám đốc HTX GAP cù lao Giêng Nguyễn Minh Hiền cho biết: “Ảnh hưởng dịch bệnh, đi lại khó khăn, nhờ sự kết nối với Tổ công tác 970, HTX đã cung cấp được hơn 40 tấn nông sản, trái cây các loại cho TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, cung ứng hơn 1.900 combo nông sản. Ngoài ra, còn được gặp gỡ, thỏa thuận hợp tác với một số DN tại TP. Hồ Chí Minh để cung cấp xoài tươi, xoài sấy và nước ép xoài”.

Đợt giãn cách xã hội vừa qua trùng thời điểm thu hoạch của nhiều loại nông sản, nhất là trái cây, rau, củ, quả. Đa phần các loại nông sản khó trữ lại mà cần phải tiêu thụ ngay, nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Sát cánh cùng nông dân, nhiều đơn vị, địa phương Hội Nông dân các cấp đã thống kê hàng ngày về chủng loại, sản lượng, thời gian thu hoạch… đối với tất cả nông sản đang được sản xuất trên địa bàn.

Qua đó, chủ động liên hệ, giới thiệu các thương lái, chủ vựa, các công ty, tìm đầu mối đến thu mua nông sản, quảng bá trên các trang mạng xã hội hoặc kết nối với các nhà hảo tâm mua hỗ trợ cho “Cửa hàng 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”... trong và ngoài địa phương; hoặc chuyển hỗ trợ cho các địa phương lân cận.

Công an tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân

Không chỉ hỗ trợ kinh phí để nông dân tái đầu tư sản xuất, từng cán bộ, chiến sĩ công an, phụ nữ, thanh niên... còn giúp dân thu hoạch nông sản, làm sạch và đưa ra tận xe tiêu thụ, góp phần giải quyết khó khăn đầu ra cho nông sản. Nông dân Nguyễn Thiện Nghiệp (ấp Long Thượng, xã Kiến An, huyện Chợ Mới) bày tỏ: “Cao điểm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng là lúc 3 công rau màu của tôi với hơn 2 tấn xà lách quá ngày thu hoạch, không ai mua. Tôi rất vui mừng được Hội Nông dân xã Kiến An thu mua, hỗ trợ 3 triệu đồng để tôi tái đầu tư sản xuất. Đến vụ sau, tôi sẵn lòng hỗ trợ bà con khu cách ly, vì đây là lúc họ rất cần”.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết: “Với 60 lồng bè nuôi cá điêu hồng, bình quân mỗi tháng xuất bán hơn 200 tấn cá, được giá 35.000 đồng/kg, thấp hơn 1.500 đồng/kg so lúc chưa dịch bệnh. Mùa dịch dù đi lại có khó khăn nhưng có đầu ra, bán cho thương lái chợ đầu mối Trà Ôn (TP. Long Xuyên) cầm cự vượt qua đại dịch và tạo việc làm cho 20 công nhân tại bè nuôi cá và trại cá giống điêu hồng”.

Với sự chung tay của toàn xã hội và người dân, nông sản Việt được san sẻ, kết nối yêu thương để cùng nhau vượt qua đại dịch.

 HẠNH CHÂU